Tập đoàn đầu tư và hệ lụy từ mô hình “quả mít”

01/09/2011 // No Comment // Categories: Kiến thức đầu tư.

TTCK đang phải giải quyết hậu quả căn bệnh “mũi nhọn” của các tập đoàn, DNNN. Đúng ở thời kỳ cầu khó khăn nhất, thì các tập đoàn do thiếu vốn đầu tư buộc phải mạnh tay tái cơ cấu và xả hàng.

Tổng kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2011, Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam (VNIC) có một đề xuất đáng chú ý với các cơ quan quản lý: cho phép bổ sung đầu tư kinh doanh bất động sản là ngành nghề chính. Nhìn vào thực trạng và những khó khăn của nền kinh tế hiện nay, một lần nữa câu chuyện về ngành nghề mũi nhọn và sự đầu tư dàn trải dẫn đến đồng vốn sử dụng kém hiệu quả lại được nhắc đến.

Bối rối mũi nhọn

VNIC được hình thành trên cơ sở liên kết các doanh nghiệp gồm Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, Tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng, Tổng CTCP Đầu tư phát triển xây dựng, Tổng CTCP Sông Hồng và Tổng công ty Cơ khí Xây dựng. Theo kết quả kiểm toán nhà nước năm 2010 công bố ngày 30/8/2011, trong số các DNNN thua lỗ có tên thành viên của tập đoàn này như Tổng công ty Lắp máy Việt Nam lỗ 103 tỷ đồng, Tổng công ty Sông Hồng lỗ 20,641 tỷ đồng.

Trong con mắt các nhà đầu tư và đối tác, VNIC có thế mạnh về xây dựng và đầu tư công nghiệp với các dự án thủy điện, nhiệt điện lớn như thủy điện Sơn La, Lai Châu, Xêkaman 3, Nậm Chiến, Bản Chát, nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhơn Trạch 2. Bên cạnh các công trình tại Việt Nam, Tập đoàn đang vươn sang các thị trường khu vực như đầu tư chuỗi thủy điện Xêkaman tại Lào. Theo quyết định cho phép thành lập VNIC, xây dựng và sản xuất công nghiệp được coi là lĩnh vực chính của Tập đoàn.

Trên thực tế, không phải bây giờ các doanh nghiệp thành viên của VNIC mới đầu tư vào bất động sản, đã có nhiều dự án, nhiều khu đô thị mang thương hiệu Sông Đà. Tuy nhiên, bổ sung ngành nghề chính là bất động sản thì đâu sẽ là mũi nhọn của Tập đoàn? Các tập đoàn, tổng công ty có cùng ngành nghề chính là bất động sản như Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD), Tổng công ty Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Tổng công ty Công trình giao thông (Cienco) sẽ cạnh tranh với nhau như thế nào và hưởng những cơ chế ưu tiên ra sao về nguồn lực đất đai, trong khi tất cả đều có một mẹ là Nhà nước?

Một trong những phần việc lớn mà VNIC đang thực hiện là lựa chọn nhà thầu tư vấn xây dựng chiến lược phát triển và tái cấu trúc các doanh nghiệp của Tập đoàn. Đồng thời, tập đoàn này đang triển khai thực hiện cổ phần hóa công ty mẹ các tổng công ty Lilama, Licogi, Coma và các đơn vị thành viên.

Trước những thông tin nêu trên, tổng giám đốc một quỹ đầu tư nhận xét: “Có cảm giác như họ (VNIC) đang bối rối trong việc xác định đâu là mũi nhọn hoạt động”.

Gánh nặng cho TTCK và nền kinh tế

“Một nghề thì sống, đống nghề thì chết”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói và cho rằng, “các tập đoàn, tổng công ty chưa thể hiện mình là quả đấm thép của nền kinh tế”, khi bản thân các ngành nghề chính của doanh nghiệp cũng không hoạt động hiệu quả.

Nhìn lại các DNNN, mô hình đa ngành, đa nghề đang để lại hậu quả lớn. Vinaconex đang chịu gánh nặng từ đầu tư nhà máy xi măng, thủy điện, sản xuất vật liệu xây dựng, xuất khẩu lao động. Tập đoàn Điện lực Việt Nam nợ Tập đoàn Dầu khí số tiền tới cả chục ngàn tỷ đồng và luôn kêu thiếu vốn đầu tư, đang chịu gánh nặng từ sự thua lỗ của EVN Telecom. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) ế ẩm khi bán “quyền ông chủ” trong các đợt phát hành mua cổ phần tại Ngân hàng Hàng hải (MSB). Tập đoàn Dầu khí đổ gánh nặng giải quyết hệ quả phong trào đầu tư bất động sản, đầu tư tài chính lên vai các doanh nghiệp thành viên và cổ đông bên ngoài.

Nền kinh tế và TTCK đang phải giải quyết hậu quả căn bệnh “mũi nhọn” của các tập đoàn, DNNN. Hiệu quả đầu tư thấp, sản phẩm nghèo nàn và thiếu sức cạnh tranh, chỉ số ICOR cao là nguyên nhân gốc rễ gây ra tình trạng lạm phát cao. Với TTCK, đúng ở thời kỳ cầu khó khăn nhất, thì các tập đoàn do thiếu vốn đầu tư buộc phải mạnh tay tái cơ cấu và xả hàng.

Tuy nhiên, không phải hàng nào đem xả, dù với giá thấp, cũng được thị trường đón nhận. Tổng công ty Thép Việt Nam có tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư kém nên IPO không thu hút được nhà đầu tư. Theo một nguồn tin, nếu không có một ngân hàng bỏ ra hơn 200 tỷ đồng mua cổ phần thì đợt đấu giá vừa qua bị coi là thất bại. Mặc dù vậy, số cổ phần đem bán đấu giá vẫn không được đặt mua toàn bộ. VNPT đấu giá 25 triệu quyền mua cổ phiếu phát hành thêm của Ngân hàng MSB vào ngày 17/8/2011. Kết quả, không có nhà đầu tư nào đặt mua. Vinaconex không bán được cổ phần Nhà máy Xi măng Cẩm Phả cho nhà đầu tư nước ngoài, mà phải quay về chào bán cho doanh nghiệp trong nước là Tổng công ty Xi măng Việt Nam, đang oằn vai vì thiếu vốn và nợ nần.

Hệ quả của việc phát triển kinh tế theo mô hình “quả mít” là sự phát triển dàn trải và đầu tư hụt hơi, dẫn đến thiếu sức cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Chuyên gia Ngô Trọng Thanh, Giám đốc Công ty Tư vấn Mancom nói: “Mô hình quả mít – nơi mọi sản phẩm đều là mũi nhọn sẽ là con đường ngắn nhất để mất thị trường”. Với nền kinh tế, mô hình quả mít là lực cản, là sự tự giẫm chân nhau, khiến nền kinh tế tụt hậu và giậm chân tại chỗ.
Anh Việt

 

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.

 

Comments are closed.