Sử dụng trái phiếu – cẩn trọng gánh nặng nợ công!

09/11/2011 // No Comment // Categories: Trái phiếu.

Ngày 8/11, nội dung chương trình trái phiếu Chính phủ đã được nhiều đại biểu quan tâm trong phiên thảo luận của Quốc hội ở Hội trường .

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm đề nghị Quốc hội báo cáo cử tri tình hình sử dụng trái phiếu Chính phủ vì đó là những món nợ mà người dân phải trả.

Các đại biểu đều cho rằng, chương trình trái phiếu Chính phủ thời gian qua còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém, trong đó nổi lên là việc tăng quy mô và tổng mức đầu tư rất lớn.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt (đoàn Vĩnh Phúc) về vấn đề này cũng nhận định, tình trạng các ngành, các địa phương lập kế hoạch và dự toán kinh phí quá cao từ nguồn trái phiếu Chính phủ là phổ biến, trong khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa có cơ chế để kiểm soát nên kinh phí các năm vượt xa khả năng chịu đựng của ngân sách Nhà nước.

Đại biểu Phương Thị Thanh (đoàn Bắc Kạn) đánh giá, việc bố trí vốn trái phiếu Chính phủ cho cả giai đoạn vừa qua, nhất là những năm cuối của giai đoạn còn dàn trải, cả giai đoạn mới bố trí được trên 1/3 số vốn so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.

Chỉ riêng năm 2011 Chính phủ mới phát hành 45.000 tỷ đồng nhưng đã bố trí vốn cho gần 2.500 dự án, tiểu dự án và cũng mới chỉ bố trí đủ vốn cho 142 dự án hoàn thành. Trên 2.000 dự án, tiểu dự án còn lại đang đầu tư dở dang và phải cần tới 3.360 tỷ đồng chưa kể yếu tố trượt giá mới có thể hoàn thành trong giai đoạn tới.

Bà lo ngại, cùng với thực hiện Nghị quyết 11, nhiều dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ sẽ bị giãn, hoãn tiến độ, đầu tư dở dang gây lãng phí rất lớn, ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân, đặc biệt là các dự án về giao thông, y tế của các địa phương.

Còn theo phản ánh của đại biểu Nguyễn Thành Tâm (đoàn Tây Ninh), từ đầu cho đến cuối chương trình, tổng mức đầu tư đã tăng lên đến 10 lần, vượt khả năng cân đối của ngân sách với sức chịu đựng của nền kinh tế, làm tăng rủi ro về tài chính của quốc gia khi đẩy mức nợ công tăng nhanh và cao, tác động tiêu cực tới những ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo ông, những yếu kém này cần được phân tích, đánh giá, làm rõ các nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Từ đó xác định các giải pháp thực hiện tốt hơn chương trình trái phiếu Chính phủ trong thời gian tới. Đồng thời, báo cáo rõ với cử tri vì đây là những món nợ người dân phải trả trong thời gian sắp tới.

Thay đổi đầu tư, công khai, minh bạch việc rà soát

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm thẳng thắn, trong quá trình thực hiện triển khai trái phiếu Chính phủ, Quốc hội đã không tính toán thấu đáo và giải quyết tốt mâu thuẫn giữa mong muốn nhu cầu rất cao với nguồn lực bị hạn chế, do đó các danh mục đầu tư đã được liên tục mở rộng.

Trong khi đó, việc quản lý, giám sát thiếu chặt chẽ, sâu sát, cơ chế phân bổ và kiểm tra không theo Luật Ngân sách, công tác giám sát không thường xuyên, không kịp thời. Do đó, chậm phát hiện và chấn chỉnh những bất cập. Kết quả đến cuối giai đoạn những vấn đề hạn chế nêu ra dù xử lý như thế nào, cắt giảm hoặc đình hoãn như thế nào cũng gây ra những thất thoát, lãng phí đối với việc đầu tư.

Ông kiến nghị Quốc hội cần thống nhất quan điểm với Tờ trình của Chính phủ, phải thay đổi đầu tư, tiến hành rà soát, cắt giảm các hình thức đầu tư, các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, chấp nhận về nguyên tắc tổng mức đầu tư từ trái phiếu Chính phủ tối đa là 225.000 tỷ đồng.

Trong khi chờ đợi đưa trái phiếu Chính phủ vào cân đối ngân sách, nên giao cho Ủy ban Tài chính ngân sách giám sát thường xuyên để kịp thời phát hiện những bất cập, báo cáo Quốc hội có biện pháp chấn chỉnh.

Song trên quan điểm của đại biểu Phương Thị Thanh, khoảng bố trí 225.000 tỷ đồng vốn trái phiếu trong Tờ trình của Chính phủ giai đoạn 2011 – 2015 nên chỉ coi là chỉ tiêu định hướng. Ở thời điểm hiện tại việc bố trí vốn ở mức này là hợp lý, nhưng tính về mục tiêu cho cả giai đoạn thì số vốn này mới chỉ bố trí được khoảng gần một nửa so với nhu cầu vốn để hoàn thành các dự án còn dở dang cho cả giai đoạn tới.

Đối với Chính phủ, đại biểu Tâm góp ý, trong thời gian qua việc để tăng quy mô dự án, tăng mức đầu tư cần phải kiểm điểm, xác định trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với những người có thẩm quyền vì không thể đổ lỗi cho các nguyên nhân khách quan mà không thấy được trách nhiệm chủ quan, để mọi thiệt hại đều đổ cho dân gánh chịu.

Ở đây, theo ông Tâm, cần phải xác định những hạn chế do trình độ, năng lực của người thẩm định dự án yếu kém, không xác định đánh giá đúng các yếu tố cấu thành, các rủi ro của dự án nên phải điều chỉnh sau khi đã phê duyệt hay còn lý do nào khác.

Ông cũng kiến nghị Chính phủ trong thời gian tới phải thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch việc rà soát, điều chỉnh, việc đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ.

Comments are closed.