SSI: Qúy III có thể được hạch toán khoản bán 23,5 triệu cổ phiếu PGBank

14/09/2012 // No Comment // Categories: Phân tích doanh nghiệp.

Trong khi các CTCK khác đang “vật vã” tìm cách thanh toán danh mục tự doanh của mình thì SSI lại đi ngược dòng – tích cực mua vào tại các doanh nghiệp chiến lược để gia tăng số lượng công ty liên kết của mình.

Tính ở thời điểm 30/6/2012, SSI có 8 công ty liên kết bao gồm 1 công ty liên kết trực tiếp là công ty quản lý quỹ SSI và 7 công ty liên kết khác là ABT, HVG, PAN, GIL, NSC, SSC và LAF. Như vậy chỉ trong 6 tháng đầu năm 2012, SSI đã có thêm 4 công ty liên kết là GIL, NSC, SSC và LAF với tỷ lệ nắm giữ chỉ dừng ở mức quanh 20% – một con số đủ để đảm bảo tỷ lệ an toàn cho SSI.

 

 

Việc thâu tóm cổ phiếu của SSI tựa như “một mũi tên trúng hai đích”, thứ nhất SSI sẽ loại bỏ được phần dự phòng giảm giá chứng khoán và thậm chí được hoàn nhập lại các khoản trích lập trước đó khi hạch toán các “khoản đầu tư tài chính ngắn hạn” sang khoản “đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh”.

Thứ hai, SSI sẽ được hạch toán một phần lãi từ LNST của các công ty liên kết theo tỷ lệ góp vốn (khoản này mang về cho SSI hơn 77 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2011 lỗ hơn 58 tỷ).

Lãi hơn 72 tỷ từ công ty liên doanh liên kết

Khoản đầu tư công ty liên kết, liên doanh của SSI đã tăng từ 1.084 tỷ vào đầu năm lên 1.413 tỷ vào cuối tháng 6/2012.

Nếu như 6 tháng 2011, SSI chỉ có 1 công ty liên kết là quỹ Tầm nhìn SSI, quỹ này lỗ hơn 58 tỷ đồng thì 1 năm sau, SSI có thêm 7 công ty liên kết, mang về lợi nhuận hơn 72 tỷ đồng.

“Con cá sộp” lớn nhất của SSI là HVG khi khoản lãi hạch toán từ công ty này mang về cho SSI hơn 44 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2012.

Bán 23,5 triệu cổ phiếu PGBank: Quý 3/2012 mới hạch toán lợi nhuận

Khoản đầu tư vào chứng khoán (bao gồm cổ phiếu niêm yết, OTC, trái phiếu) đã giảm từ 1.000 tỷ đầu năm xuống 762 tỷ vào 30/6/2012 (tính theo giá trị sổ sách).

Tuy nhiên trên bảng cân đối kế toán của SSI, tổng khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của SSI vẫn tăng gần gấp đôi trong 6 tháng đầu năm 2012, từ mức 869 tỷ đầu năm lên hơn 1.600 tỷ vào cuối quý 2/2012.

 

Lý do là SSI đã hạch toán khoản đầu tư 23,5 triệu cổ phiếu Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) trị giá 200 tỷ (giá trị sổ sách) từ khoản “đầu tư dài hạn khác” sang “đầu tư ngắn hạn khác” tại ngày 30/6/2012.

 

SSI đã ký hợp đồng bán cổ phiếu PGBank này cho khách hàng nhưng chưa thực hiện thủ tục chuyển giao quyền sở hữu chứng khoán, SSI dự định hoàn tất thủ tục chuyển giao quyền sở hữu PGBank cho khách hàng trong quý 3/2012.

Giá trị thị trường của khoản đầu tư ngắn hạn vào PGBank tại ngày 30/6 là hơn 278 tỷ, như vậy trong quý 3/2012, SSI có thể được hạch toán khoản lãi 77 tỷ từ việc chuyển nhượng cổ phiếu PGBank.

40% tổng doanh thu từ lãi tiền gửi, 40% doanh thu tự doanh là từ cồ tức

6 tháng đầu năm 2012, doanh thu của SSI đạt 395 tỷ, giảm 17% cùng kỳ 2011, trong đó doanh thu tư vấn giảm hơn 50%, doanh thu tự doanh giảm 20%, doanh thu khác giảm 23% so với cùng kỳ 2011, doanh thu môi giới và lưu ký tăng lần lượt 33% và 368% so với cùng kỳ 2011.

Ngoài ra, SSI có khoản doanh thu khác hơn 4 tỷ đồng và lãi từ công ty liên kết hơn 72 tỷ đồng.

 

 

Trong cơ cấu doanh thu của SSI, doanh thu khác vẫn chiếm áp đảo (46%), tiếp theo là doanh thu tự doanh (28%). Trong doanh thu khác, 152,6 tỷ là lãi tiền gửi, chiếm 83,2% doanh thu khác và chiếm 40% tổng doanh thu.

Tại thời điểm 30/6/2012, SSI có khoản tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng 1.610 tỷ đồng và khoản tiền gửi trên 3 tháng 856,5 tỷ đồng.

Trong cơ cấu doanh thu tự doanh, 40% là từ cổ tức, 32% là từ trái tức, còn lãi bán cổ phiếu, trái phiếu hay doanh thu tự doanh chỉ đạt gần 31 tỷ đồng, tương đương 28% doanh thu tự doanh.

 

Riêng ABT – công ty SSI nắm giữ hơn 27% vốn, kế hoạch cổ tức của công ty này trong năm 2012 là từ 50-60%, tháng 4 vừa qua ABT đã trả cổ tức 15% và 1/8 vừa qua ABT lại trả tiếp cổ tức bằng tiền mặt 30%. Khoản cổ tức này không nhỏ và đó là lý do vì sao SSI chọn nắm giữ ABT.

 

Danh mục tự doanh có gì

Trong danh mục tự doanh của SSI, VFMVF4 chiếm áp đảo cả về số lượng và giá trị góp vốn, SSI hiện nắm giữ hơn 14,2 triệu chứng chỉ quỹ VF4 với giá vốn 8.700 đồng/ccq, tuy nhiên giá thị trường của VF4 hiện chỉ còn 5.000 đồng/cp (giảm 43%).

Các khoản đầu tư “lỗ nặng” nhất của SSI là khoản đầu tư vào TMT (-80%) với giá vốn hơn 26.300 đồng/cp, hiện chỉ còn 5.300 đồng/cp, hay như khoản đầu tư OTC vào CTCP Đầu tư và xây dựng Delta AGF (-95%) với giá vốn 10.000 đồng/cp hiện giá thị trường là 472 đồng/cp; SSI cũng nắm giữ hơn 2.800 cổ phiếu DVD với giá vốn 41.000 đồng/cp, KSS giá vốn 28.000 đồng/cp (hiện còn 9.300 đồng/cp).

Về khoản đầu tư dài hạn, SSI đang nắm giữ hơn 10,2 triệu cổ phiếu Cao su HAGL, với tổng giá trị vốn góp theo giá trị sổ sách là hơn 523 tỷ đồng. Các cổ phiếu SSI nắm giữ khối lượng lớn có HAG, PDN, VNM…

 

Một số cổ phiếu tăng giá không được diễn giải trong báo cáo tài chính của SSI như DBC (cuối năm 2011 SSI nắm giữ gần 4 triệu cổ phiếu DBC, mã này đã tăng gấp đôi trong 8 tháng đầu năm 2012 từ 10.500 đồng/cp lên cao nhất 25.000 đồng/cp vào tháng 4/2012. Trong khoảng cuối tháng 3/2012, SSIAM đã bán ra hơn 550.000 cổ phiếu này, hiện SSIAM còn nắm giữ 2,185 triệu cổ phiếu DBC (chiếm 4,52% vốn điều lệ của công ty này).

 

SSI cũng nắm giữ 13.000.000 cổ phiếu SBT từ năm 2011, chiếm tỷ lệ 10,2% vốn điều lệ của SBT. Tỷ lệ cổ tức của SBT năm 2011 đạt 30% bằng tiền mặt, kế hoạch năm 2012 là 20% bằng tiền mặt.

Như vậy có thể thấy chiến lược của SSI trong giai đoạn này chủ yếu đầu tư vào các cổ phiếu có cổ tức cao, những khoản đầu tư nào bị sa đà sẽ được thu gom thêm làm công ty liên kết, công ty cũng đẩy mạnh gửi tiền thay vì mang đi tự doanh. Dù sao, với khoản lợi nhuận từ công ty liên kết và cổ tức sẽ giúp SSI còn có “lương khô” để chống chọi thời điểm này – trong bối cảnh hàng loạt CTCK mất thanh khoản hoặc lỗ nặng.

Download báo cáo soát xét SSI 6 tháng 2012

Theo CafeF

Comments are closed.