Quý I/2013!

07/12/2012 // No Comment // Categories: Kiến thức đầu tư.

Người viết cũng được lắng nghe quan điểm đoán đáy của nhiều nhà đầu tư, nhà phân tích… trong đó “Quý I/2013” là giao điểm của nhiều ý kiến, từ cả hai góc nhìn phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản.

Tháng cuối của năm 2012 đã đến nhưng thị trường vẫn chưa có sự cải thiện thực sự nào. Hai chỉ số vẫn đang bò ngang trong điều kiện thông tin tốt có sức nặng cũng đã xuất hiện, đó là tin kế hoạch giảm lãi suất, ổn định lạm phát trong dài hạn và chỉ số Nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất (PMI) của Việt Nam lên trên 50 điểm lần đầu tiên sau… 14 tháng.

Chỉ số đi ngang tích lũy thời gian dài rồi cũng cho nhà đầu tư (NĐT) tín hiệu rõ ràng: “break out” hoặc “break down”. Dấu hiệu được quan tâm nhất lúc này là khối lượng. Khối lượng và giá trị giao dịch vẫn rất thấp. Ngày giao dịch đầu tháng 12, tổng hai sàn có khoảng 36 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, tương ứng 409.28 tỷ đồng, đều nằm dưới giá trị trung bình 5 phiên gần nhất.

Tuy vậy, thị trường có thể ảm đạm về chỉ số, suy kiệt về thanh khoản nhưng không thể nào “tiêu diệt” được… lòng tham. Động lực lợi nhuận đằng sau thúc giục, tâm lý muốn chiến thắng thị trường lại luôn thường trực… nên không khó hiểu khi những NĐT còn lại trên thị trường lúc này, đang dò dẫm đi tìm đáp án cho câu hỏi…

“ Đâu là đáy?”

Thực tế, chỉ số VN-Index trong mấy tháng qua tuy giảm nhưng vẫn chưa chạm mức thấp nhất trong năm 2012 là 336 (ngày 6/1), và kém xa so với mốc đáy 235 trong 6 năm trở lại đây. Còn HNX-Index thì đã xuống mức thấp nhất trong lịch sử là 50.7 (ngày 6/11) cách đây một tháng. “Đáy”- nếu với cách hiểu là mức thấp kỷ lục, trong điều kiện thị trường không gặp những biến cố chấn động thêm nữa – thì câu trả lời có vẻ khá rõ ràng; nhưng với quan niệm “ đáy” là một “vùng” thì việc dự đoán khoảng thời gian nào nó kết thúc không hề đơn giản.

“Dự đoán” thì ai cũng có thể đưa ra một cách mạnh dạn, và người viết cũng được lắng nghe quan điểm đoán đáy của nhiều NĐT, nhà phân tích… trong đó “Quý I/2013” là giao điểm của nhiều ý kiến, từ cả hai góc nhìn phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản.

Theo quan điểm của ông Dương Văn Chung, Phó Giám đốc PCS - CTCK MBS, HNX-Index tạo đáy dài hạn trong vùng 48-50, dù kịch bản tạo đáy nào diễn ra thì down trend dài hạn từ tháng 3/2007 cũng kết thúc vào khoảng thời gian giữa tháng 12. Ông đưa ra khuyến nghị hạn chế lướt sóng T+ mà nên mua gom trong những phiên giảm điểm. CTCK MBS đã có những động thái dường như để đón trước những diễn biến của thị trường: Từ tháng 11/2012, công ty thực hiện chương trình “gói hỗ trợ lãi suất” tối đa lên tới 3.5% dành cho NĐT; họ cũng đang tổ chức đào tạo thêm lứa nhân viên môi giới kế cận – đa phần là sinh viên năm cuối chuyên ngành chứng khoán. Cho dù ý kiến của cá nhân ông Dương Văn Chung có thể không phải là quan điểm của CTCK MBS, nhưng cũng rất đáng được tham khảo khi nhận định up trend 4-5 tháng của ông trong đầu năm 2012, và down trend hồi tháng 5 đã được thực tế kiểm chứng.

“Bắt đầu mua gom, hạn chế lướt sóng” cũng là lời khuyên mà một vị tiến sỹ vừa chia sẻ trong lớp học “Môi giới và tư vấn đầu tư chứng khoán” của Trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo chứng khoán (SRTC). Với dự đoán vào nửa cuối năm 2013 vấn đề nợ xấu của hệ thống ngân hàng và hàng tồn kho bất động sản – hai điểm nghẽn tăng trưởng – mới có dấu hiệu tích cực, kéo nền kinh tế dần hồi phục trở lại thì TTCK – phong vũ biểu của nền kinh tế thường đi trước khoảng 6- 9 tháng – sẽ bắt đầu đi lên từ quý I/2013.

Những dấu hiệu của một thị trường trong vùng đáy suy thoái cũng được nhận diện. Đó là khi sản xuất công nghiệp đình trệ, lãi suất ngân hàng giảm, chỉ số của thị trường thấp, khối lượng giao dịch bèo bọt và cổ phiếu bị rẻ rúng. NĐT trong giai đoạn này có tâm lý chán nản cùng cực và nhiều anh thề “không bao giờ đầu tư chứng khoán nữa” (!?).

Khi nào sản xuất công nghiệp bắt đầu tăng trưởng, lãi suất giảm xuống đáy, chỉ số tăng nhẹ nhưng NĐT ngờ vực… thì bắt đầu giai đoạn chớm hồi phục. Giai đoạn đó được dự đoán là trong quý I/2013.

Ngoài hai góc nhìn phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật, “Quý I/2013” còn nhận được sự ủng hộ từ “Hiệu ứng tháng Giêng”. Khác với hiệu ứng giảm tháng 5 (Sell in May and go away), “hiệu ứng tháng Giêng” dựa vào những số liệu thống kê cho rằng: thu nhập của chứng khoán trong tháng Giêng thường cao hơn các tháng còn lại trong năm. Hiệu ứng này, và cả hiệu ứng tháng 5 dù chưa được kiểm chứng tại TTCK Việt Nam bằng một công trình nghiên cứu nào, nhưng rõ ràng nó cũng là một yếu tố hỗ trợ tâm lý rất tốt cho thị trường.

“Quý I/2013” còn được sự ủng hộ của lịch sử vì giai đoạn cuối năm nay hai Index có diễn biến khá giống với cuối năm 2011. Chưa kể động thái rót ròng 66 triệu USD vào TTCK Việt Nam của khối ngoại trong tháng 11, gấp 10 lần so với tháng 10, có thể tạo động lực tăng trưởng mạnh cho thị trường. Quý I/2012, TTCK Việt Nam đã tăng như vũ bão và nằm trong nhóm các TTTCK tăng trưởng ấn tượng nhất trên thế giới. Lịch sử có lặp lại lần nữa hay không? Thời gian sẽ kiểm chứng.

Nhưng nếu NĐT nào chấp nhận rủi ro bắt đáy lúc này, hãy luôn giữ cho mình sự tỉnh táo, sẵn sàng rút lui trong trường hợp xấu nhất để bảo toàn vốn của mình. Trên TTCK, thận trọng không bao giờ thừa.

Theo Đoàn Xuân Thạo (Vietstock)

 

Comments are closed.