CGIF dành 140 triệu USD bảo lãnh cho trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam

16/01/2013 // No Comment // Categories: Trái phiếu.

Con số tương đương gần 3.000 tỷ đồng này được đại diện Quỹ Bảo lãnh Tín dụng Đầu tư (CGIF) đưa ra trong buổi giới thiệu về CGIF tới các doanh nghiệp tại Việt Nam, được Bộ Tài chính tổ chức sáng nay (16/1/2013).

Ông Boo Hock Khoo, Phó Chủ tịch điều hành Quỹ CGIF cho biết, quỹ CGIF được thai nghén từ những năm 2008, nhưng phải sau gần 10 năm thì quỹ này mới được thành lập chính thức (25/11/2010).

Đây là một quỹ tín thác của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), có vốn chủ sở hữu của quỹ là 700 triệu USD, người góp vốn là Chính phủ các nước ASEAN+3 (gồm 10 nước thành viên ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) và ADB.

Mục tiêu của quỹ là phát triển thị trường vốn trong ASEAN+3, đây là một phần của sáng kiến thị trường trái phiếu Châu Á (ABMI). Theo đó, Quỹ sẽ tái lập sự cân bằng để không phụ thuộc quá mức vào vốn vay ngân hàng, ngăn chặn khủng hoảng tiền tệ và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực.

Hoạt động chính là cấp bảo lãnh cho các trái phiếu doanh nghiệp do các doanh nghiệp ASEAN+3 phát hành. Quỹ CGIF được tổ chức xếp hạng tín dụng Standard & Poor xếp hạng AA+.

Image

Cơ cấu bảo lãnh của Quỹ

Tiêu chuẩn xét bảo lãnh đầu tiên là các doanh nghiệp thuộc khu vực ASEAN+3 (các cổ đông chính phải có quốc tịch tại các nước trong khu vực). Tiếp theo, các doanh nghiệp phải được xếp hạng đầu tư thấp nhất là BBB- theo xếp hạng trong nước, không hoạt động sản xuất trong danh mục cấm, đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và an toàn xã hội của CGIF (tương tự như của ADB).

Các điều khoản bảo lãnh là không thể thay đổi và vô điều kiện, bao gồm trường hợp không thanh toán, bảo lãnh 100% khoản thanh toán tiền gốc và lãi (có thể xem xét cấp bảo lãnh từng phần). Đại diện CGIF cho biết, việc bảo lãnh vô điều kiện sẽ giúp cam kết cho nhà đầu tư yên tâm hơn khi mua trái phiếu do CGIF bảo lãnh. Tuy nhiên, CGIF sẽ giữ quyền đẩy nhanh đề nghị thanh toán gốc khi vỡ nợ hoặc duy trì lịch trình trả nợ.

Mức trần bảo lãnh cho một quốc gia là 140 triệu USD, mức trần theo đồng tiền là 280 triệu USD. Kỳ hạn bảo lãnh tối đa là 10 năm. Việc phát hành có mệnh giá bằng ngoại tệ sẽ yêu cầu hoạt động bảo hiểm rủi ro thông thường hoặc bảo hiểm rủi ro tài chính.

CGIF sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát hành trái phiếu dễ dàng hơn

Image

Đại diện CGIF đánh giá: “Hiện có 6 nước Asean đã có thị trường trái phiếu, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên thị trường trái phiếu của Việt Nam hiện vẫn chưa phát triển so với 5 thị trường trái phiếu còn lại.”

Những giao dịch dự kiến được CGIF hỗ trợ bao gồm các giao dịch qua biên giới, tổ chức lần đầu phát hành trên thị trường trái phiếu nội địa, giúp các doanh nghiệp có thể mở rộng kỳ hạn lên tới 10 năm. Đại diện CGIF cũng cho biết, quỹ sẽ bảo lãnh cho những doanh nghiệp lớn (như các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam) khi phát hành trái phiếu nhưng bị vướng hạn mức trần áp dụng đối với người đi vay duy nhất. Quỹ CGIF cũng sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu hướng tới các nhà đầu tư nước ngoài.

Quy trình nộp hồ sơ gồm 3 giai đoạn: đánh giá sơ bộ, chính thức nộp hồ sơ, đánh giá với trách nhiệm cao nhát và phê duyệt. Các doanh nghiệp có thể tải mẫu đơn trên website của CGIF để nộp gói thông tin sơ bộ cho CGIF để rà soát các điều kiện, nếu được chấp thuận sẽ phải chính thức nộp hồ sơ chi tiết hơn. Đại diện CGIF sẽ trực tiếp đến doanh nghiệp để tìm hiểu và đánh giá khả năng cấp bảo lãnh. Khi ban giám đốc CGIF phê duyệt, quỹ sẽ phát hành một thư bảo lãnh cho doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Ông Boo Hock Khoo tin tưởng rằng, với sự bảo lãnh của CGIF, doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong việc phát hành trái phiếu cũng như thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

 

Nguyễn Sơn – NDHMoney

Comments are closed.