Doanh nghiệp và cổ phiếu

15/04/2013 // No Comment // Categories: Kiến thức đầu tư.

Cách đây 5 – 6 năm, cổ phiếu tăng giảm luôn là một chủ đề rất hot tại đại hội cổ đông. Nhưng vài năm trở lại đây, không còn nhiều doanh nghiệp phải chịu sự chất vấn của cổ đông về vấn đề này nữa. Nguyên nhân vì đâu?

Chắc chắn không phải vì giá cổ phiếu của doanh nghiệp trong vài năm qua đều tăng nên cổ đông không chất vấn. Câu chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng đằng sau lại là một loạt những thay đổi từ cả phía nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp.

Lãnh đạo “ngán” cổ phiếu

Một nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm đã từng bày tỏ quan điểm đầu tư của mình về một cổ phiếu có vốn hóa lớn rằng anh sẽ không chơi cổ phiếu này nữa vì nắm được thông tin là lãnh đạo doanh nghiệp đã không còn “máu” đánh đấm nữa. Tất nhiên, đây chỉ là ý kiến cá nhân và mang nhiều yếu tố phỏng đoán vì những thông tin như trên thì cũng nhan nhản vìa hè hay các diễn đàn chứng khoán và chẳng ai có thể kiểm chứng. Nhưng nó cũng đã đề cập đến mối liên hệ giữa doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp và cổ phiếu.

Có thể xem thời điểm ông Lê Văn Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Dược Viễn Đông, bị bắt vào cuối năm 2010 do làm giá chứng khoán là lúc mối liên hệ nói trên rơi vào sự… đoạn tuyệt. Trước lúc đó, người ta vẫn đồn đại về chuyện sếp của doanh nghiệp này máu đánh cổ phiếu như thế nào, rồi thậm chí có cả một đội môi giới chuyên đặt lệnh cho sếp… Rồi nghi án cổ đông lớn của một doanh nghiệp “gài” một lúc 6 công ty chứng khoán phải ôm một mớ cổ phiếu giá cao. Hoặc có những trường hợp nói với cổ đông, nhà đầu tư kiểu như cổ phiếu chúng tôi tốt nhất thị trường hoặc lý ra giá chào sàn phải thế này thế kia của một vài sếp.

Vậy tại sao những thông tin, cả chính thức lẫn tin đồn, giữa lãnh đạo doanh nghiệp, doanh nghiệp và cổ phiếu ngày một ít đi? Nguyên nhân đầu tiên bắt nguồn từ trường hợp của DVD, lãnh đạo của doanh nghiệp đang ăn sung, mặc sướng chắc cũng không “chơi dại” làm giá cổ phiếu để rồi… đi tù. Kế tiếp là thị trường chứng khoán ngày một nhiều rủi ro, đánh lên, đánh xuống cổ phiếu chắc gì đã thắng được thị trường. Có lãnh đạo doanh nghiệp còn chia sẻ thật rằng mình đã từng đánh chứng khoán và thua đến vài chục tỷ đồng, phải làm cả năm mới lấy lại số tiền này.

Cổ đông đã “hiểu chuyện”

Năm 2008, tại đại hội cổ đông của một công ty sản xuất điện gia dụng, đại diện một quỹ đầu tư nước ngoài đã hỏi “ai trong chúng ta có lời khi mua cổ phiếu này”. Đây là một câu chuyện thuộc về “lịch sử” của thị trường chứng khoán và giờ đây không còn lặp lại nữa.

Cổ đông giờ đây cũng thừa hiểu vì sao giá cổ phiếu giảm mạnh, do thị trường không thuận lợi, do doanh nghiệp làm ăn yếu kém. Mà nếu không vì hai lý do quan trọng này thì cũng phải hiểu là thị trường vốn dĩ như vậy và phải chấp nhận, không thể có kiểu thua lỗ rồi đổ vạ cho doanh nghiệp.

Ở một khía cạnh khác, thì các doanh nghiệp cũng khôn ngoan hơn khi vấn đề này được đặt ra đều “đá” sang nguyên nhân “thị trường”. Đã từng có trường hợp một cổ đông hỏi thẳng ông chủ tịch HĐQT công ty rằng “ông có làm giá cổ phiếu không” thì câu trả lời nhận được là “tôi còn chưa phân biệt được lệnh ATO với ATC thì biết gì mà làm giá”. Và như vậy, những yêu cầu kiểu như lãnh đạo của doanh nghiệp phải “hứa” hay “cam kết” giữ giá cổ phiếu từ phía cổ đông sẽ ít dần và cho dù nếu có đề ra thì cũng không lãnh đạo nào dám hứa hẹn cả.

Cứ nhìn những cổ phiếu khi đến đợt phát hành để tăng vốn lại biến động tăng/giảm rất mạnh, thanh khoản tăng sẽ phải đặt câu hỏi sao lại có sự trùng hợp đến như vậy. Dịch vụ công ty chứng khoán tạo thanh khoản cho cổ phiếu chưa bao giờ là một dịch vụ chính thức nhưng vẫn được dân chứng khoán bàn tán rất nhiều. Mà muốn tạo thanh khoản cho cổ phiếu được thì nhiều khả năng vẫn phải bắt nguồn từ ý muốn của doanh nghiệp.

Những quan niệm có phần “bốc đồng” và cả những động thái liều lĩnh của doanh nghiệp với cổ phiếu đã được hạn chế rất đáng kể. Đây là một sự thay đổi lớn, ít ra thị trường cũng có kỷ cương hơn. Nhưng cũng không vì thế mà có thể khẳng định chắc chắn rằng mối liên quan giữa doanh nghiệp và cổ phiếu đã chấm dứt hoàn toàn. Nói theo những người có nhiều kinh nghiệm thì nó chỉ có “kín kẽ” hơn mà thôi. Tất nhiên, cổ đông theo thời gian cũng hiểu chuyện hơn để mà… khỏi hỏi.
Theo Khiêm An – Thời báo kinh doanh

Comments are closed.