Chính phủ yêu cầu tiếp tục giảm chênh lệch lãi suất

13/05/2013 // No Comment // Categories: Tin tiêu điểm.

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành giảm chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay ở mức hợp lý theo tín hiệu thị trường.

Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ chính phủ tháng 4, Chính phủ nhận định tổng dư nợ tín dụng mặc dù tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2012 nhưng tăng chậm so với mục tiêu đề ra. Trong khi đó, quá trình tái cấu trúc ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và thị trường bất động sản chậm được giải quyết.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành giảm chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay ở mức hợp lý theo tín hiệu thị trường, phấn đấu đạt tăng trưởng tín dụng 12%.

Theo báo cáo mới đây của Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng – Ngân hàng Nhà nước, ước tính chênh lệch thu chi toàn ngành ngân hàng trong năm 2012 ước hơn 20.000 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ năm 2008 và gần tương đương mức chênh lệch thu, chi của năm 2008 hay bằng khoảng 40% mức của năm 2011 chủ yếu do chênh lệch lãi suất đầu ra, đầu vào giảm, chi phí dự phòng rủi ro gia tăng, tín dụng tăng trưởng thấp.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Đức Trung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng cho biết, tính trung bình lãi suất huy động và cho vay, trong vòng 10 năm qua, chênh lệch lãi suất thời điểm cao nhất cũng chỉ 3,5%. Riêng trong năm 2012, mức chênh lệch bình quân là gần 2,2%.

“Tại thời điểm hiện tại, mức chênh lệch trung bình cũng chỉ khoảng 2%. Không có chuyện ngân hàng được hưởng mức chênh lệch “khủng” 5-7%, như dư luận đồn đoán”, ông Trung cho biết.

Bên cạnh đó, tại Nghị quyết mới công bố, Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh triển khai hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội đối với người có thu nhập thấp; kiểm soát hoạt động đấu giá vàng…

Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý hoạt động của các ngân hàng, giám sát chặt nhằm đảm bảo an toàn hệ thống; Khẩn trương hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành để sớm đưa công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC) vào họat động.

Theo Dân Việt

Comments are closed.