CPI tháng 5 có thể lại âm

14/05/2013 // No Comment // Categories: Tin tiêu điểm.

Dự báo CPI tháng 5/2013 có thể trở lại mức âm như từng diễn ra vào tháng 3/2013.

Tiếp tục được hỗ trợ từ xu hướng giảm giá nhóm hàng lương thực, thực phẩm, đồng thời thêm nhóm xăng dầu cũng được Liên Bộ Tài chính và Công Thương thông qua phương án giảm giá của doanh nghiệp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng này đang đứng trước khả năng tiếp tục giảm so với tháng trước.

Theo kết quả tính toán từ các mô hình Leontief hệ số cập nhật từ bảng cân đối liên ngành 2007 và ARIMA tự hồi quy tích hợp trung bình trượt, NDHMoney dự báo CPI tháng 5/2013 có thể trở lại mức âm như từng diễn ra vào tháng 3/2013, quanh mức -0,1%.

Điều đáng lưu ý là nếu loại trừ yếu tố giá giảm do đột biến áp mức phí dịch vụ y tế quá cao vào tháng trước, diễn biến giá cả nói chung có thể coi là đã qua ba tháng liên tiếp giảm, một biểu hiện của tình trạng thiểu phát.

Nếu so sánh với các tháng 5 tương ứng của các năm về trước, đây cũng là lần đầu tiên sau 10 năm gần đây có chỉ số giá tháng 5 giảm so với tháng trước đó, cũng là một dấu hiệu lạ.

Ở các mức so sánh khác, CPI tháng này cũng có sự điều chỉnh giảm về mức tăng. Cụ thể là tăng khoảng 2,4% so với tháng 12 năm ngoái và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xét về nguyên nhân, tính đến tháng này, diễn biến giá cả có thể coi là đang chịu ảnh hưởng của cầu bế tắc và cung ảm đạm.

Trong khi cung tiền không thấp, nhưng tín dụng thì không thể tăng trưởng nhanh. Theo thông tin từ phía ngân hàng, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 4/2013 đã vượt trên mức 1%, nhưng huy động vốn từ nền kinh tế lại tăng trên 5%.

Thanh khoản dư thừa khiến cho một số ngân hàng còn công bố lãi suất thấp hơn mức sàn lãi suất Ngân hàng Nhà nước công bố. Vietinbank, Vietcombank… đều mới công bố mức lãi suất huy động thời hạn ngắn ở mức 6-7%/năm. Dư thừa thanh khoản cũng thể hiện ở nhiều ngân hàng thương mại khác, khi họ đang xem xét giảm lãi suất huy động.

Ở điều kiện đó, dòng thanh khoản dư thừa của nhiều ngân hàng thương mại đang được chính các ngân hàng này rót vào kênh trái phiếu Chính phủ, được áp mức lãi suất cao hơn lãi suất huy động thấp nhất trên thị trường hiện nay.

Xét về góc độ tác động của điều tiết nhà nước, việc thanh khoản dư thừa của hệ thống ngân hàng chảy vào kênh trái phiếu sẽ tăng vốn cho các dự án đầu tư nhà nước. Nhưng hiệu quả sử dụng vốn của khu vực này, lâu nay không bằng các khoản đầu tư của khu vực tư nhân.

Cho nên, diễn biến dòng vốn nêu trên vừa là biểu hiện cách thức sử dụng không mấy hiệu quả nhất của nguồn lực vốn trong nền kinh tế, đồng thời cũng cho thấy khu vực có khả năng kích thích tăng trưởng hiệu quả nhất của nền kinh tế vẫn chưa phục hồi.

Sau diễn biến CPI 3 tháng gần đây, có thể cho rằng biểu hiện kinh tế giảm phát đang diễn ra, nghiêm trọng hơn bất kỳ giai đoạn nào của 5 năm kinh tế khó khăn vừa qua.

Khi doanh nghiệp đang tập trung chủ yếu vào việc giải quyết hàng tồn (biểu hiện là tỷ trọng hàng tồn kho so với năng lực sản xuất khá cao), nhưng đầu tư không khởi sắc và tín dụng lòng vòng không được đổ vào sản xuất sẽ không thể hỗ trợ doanh nghiệp phát triển lại sản xuất.

Ở diễn biến kinh tế ảm đạm như vậy, mọi hướng kích thích kinh tế dường như đều khó cân đo tác động. Nên dù chính sách nhà nước đã không ít lần hướng tới gỡ khó cho doanh nghiệp nhưng chuyển biến chưa ghi nhận được nhiều.

Phân tích trên diễn biến giá cả thực tế, khi những nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng… giảm giá có nghĩa rằng sản xuất và đời sống đang gặp nhiều khó khăn.

Ngược lại, giá vàng đang biến động rất bất thường trong tháng vừa qua là một biểu hiện của bất ổn, khi những “của để dành” của người dân đang cố gắng tìm nơi trú ẩn để lưu giữ giá trị.

Nhìn tổng thể diễn biến CPI tháng này, NDHMoney đặc biệt lưu ý diễn biến giá giảm của nhóm lương thực, thực phẩm, nhà ở và vật liệu xây dựng, giao thông. Trong khi, CPI các nhóm còn lại khả năng tăng rất thấp.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến mới hơn trong ít ngày tới.
Trần Lê Minh – NDHMoney

Comments are closed.