Tín hiệu mới của nền kinh tế

11/06/2013 // No Comment // Categories: Tin tiêu điểm.

Việt Nam thời gian tới sẽ tiếp nhận nhiều vốn hơn nữa từ các nhà đầu tư Nhật Bản nhờ có vị trí địa chính trị quan trọng ở châu Á.

Bất chấp nhiều chỉ số kinh tế chưa được cải thiện, việc các nhà đầu tư ngoại dồn dập rót vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam và các doanh nghiệp, ngân hàng trong nước, cho thấy những tia sáng mới của nền kinh tế.

Dồn dập rót vốn

Theo ông Vũ Bằng – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chỉ trong vòng 5 tháng, đã có gần 244 triệu USD vốn ngoại đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam, khiến thị trường phục hồi trở lại.

Cùng với đó, nhiều tín hiệu tích cực của nền kinh tế như lãi suất hạ, dòng tiền bắt đầu được lưu chuyển. Nếu tính từ đầu năm đến nay, chứng khoán Việt Nam được khối ngoại mua ròng mạnh nhất kể từ năm 2008, giúp VN-Index tăng 25% từ đầu năm và đưa Việt Nam trở thành thị trường có chỉ số chứng khoán tăng điểm mạnh nhất khu vực Đông Nam Á.

Số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, số nhà đầu tư nước ngoài mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại thị trường Việt Nam nhiều hơn số tài khoản được mở trong năm 2012.

Tính đến hết tháng 4, có tổng cộng 16.238 nhà đầu tư nước ngoài được cấp tài khoản giao dịch chứng khoán tại Việt Nam, so với con số 16.001 nhà đầu tư nước ngoài được cấp tài khoản trong năm 2012.

Không chỉ thị trường chứng khoán “hồi sinh” nhờ sự tiếp vốn của khối ngoại, các lĩnh vực ngân hàng, đầu tư, thương mại, sản xuất cũng liên tiếp được các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn: Từ việc Samsung khởi động rót thêm 2 tỷ USD xây tổ hợp sản xuất điện thoại di động và các thiết bị công nghệ cao tại Thái Nguyên đến giữa tháng 5, công ty TNHH Doosun Industries (Hàn Quốc) được cấp giấy chứng nhận đầu tư 14 triệu USD xây nhà máy in công nghệ cao phụ trợ cho Samsung. Cùng đó là một loạt các thương vụ đầu tư khác.

Vì sao vốn ngoại?

Tại diễn đàn Doanh nghiệp giữa kỳ cuối tháng 5 vừa qua, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) cho biết, thời gian tới sẽ có ngày càng nhiều các doanh nghiệp vệ tinh đầu tư vào Việt Nam theo các dự án của Samsung và LG.

Điều này cho thấy sự ổn định chính trị, kinh tế, xã hội chính là những nhân tố quan trọng “níu” chân các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam.

Lý giải về tín hiệu trên, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, các nhà đầu tư ngoại tin tưởng rằng, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có được năm tăng trưởng đầu tiên kể từ 2010, nhờ lạm phát đi xuống và chi phí vay vốn giảm.

Theo ông Nghĩa, có nhiều dấu hiệu cho thấy sự lạc quan bước đầu với tình hình kinh tế hiện nay khi các chỉ số quan trọng của nền kinh tế Việt Nam đang đi lên.

Qua 5 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng trưởng khoảng 15%. Trong đó, xuất khẩu nội địa đã bắt đầu tăng trưởng dương ở mức 2,5%-2,7% (trước đây là âm trong thời gian khá dài). Đặc biệt, đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng khoảng 2%.

Số doanh nghiệp FDI đăng ký mới và vốn cấp mới cũng tăng khoảng 17%. Đây là lần thứ 2 trong gần 20 năm phát triển, một lần nữa FDI góp phần đắc lực trong việc khởi động lại nền kinh tế Việt Nam.

Theo ông Dominic Scriven-Giám đốc điều hành (CEO) Cty Quản lý quỹ Dragon Capital, trên thị trường trái phiếu, số vốn nước ngoài đổ vào thị trường này cũng lên tới 500 triệu USD trong 12 tháng qua, bằng con số của cả 5 năm trước đó cộng lại. Đây là những dấu hiệu đáng khích lệ.

Theo Phạm Tuyên

Tiền phong

 

Comments are closed.