Fitch: Trung Quốc đứng trước bong bóng tín dụng lớn nhất trong lịch sử hiện đại

17/06/2013 // No Comment // Categories: Tin khu vực.

Charlene Chu – chuyên gia đến từ Fitch – cho rằng rõ ràng là mô hình tăng trưởng dựa vào tín dụng đang sụp đổ. Trung Quốc có thể rơi vào tình trạng giảm phát như Nhật Bản.

Trung Quốc đang mất kiểm soát đối với hệ thống “ngân hàng trong bóng tối” và đứng trước áp lực ngày càng gia tăng trong bối cảnh người đi vay cố gắng đảo nợ đối với các khoản nợ ngắn hạn. Đó là lời cảnh báo mà tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings vừa đưa ra.

Theo Fitch, điều này sẽ khiến Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn trên con đường tăng trưởng. Charlene Chu – chuyên gia đến từ Fitch – cho rằng rõ ràng là mô hình tăng trưởng dựa vào tín dụng đang sụp đổ. Trung Quốc có thể rơi vào tình trạng giảm phát như Nhật Bản.

Trả lời phỏng vấn tờ The Daily Telegraph, bà cho rằng hệ thống ngân hàng trong bóng tối không hề minh bạch trong khi rủi ro hệ thống đang ngày càng tăng lên. Fitch không hề có chút ý niệm nào về việc người đi vay là ai cũng như người cho vay là ai và chất lượng tài sản đến đâu.

Trong khi tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng chỉ ở mức 1%, tỷ lệ này ngày càng trở nên vô lý bởi các quỹ tín thác, quỹ quản lý tài sản và các dạng cho vay bất hợp pháp đang chiếm tới hơn một nửa số tín dụng mới.

Nỗi lo lắng tăng lên khi một loạt các sản phẩm tín chấp ở Thanh Đảo, Ordos, Jilin và các nơi khác đã tạo nên hệ thống ngân hàng trong bóng tối với quy mô lên đến 1.400 tỷ USD. Sự kiện ngân hàng Everbright vỡ nợ cách đây 10 ngày và lãi suất ngắn hạn Sibor đột ngột tăng mạnh là dấu hiệu cho thấy thanh khoản đang dần cạn kiện.

Ở hệ thống ngân hàng trong bóng tối, một nửa các khoản vay phải được đảo nợ sau mỗi 3 tháng, và 25% được đảo nợ sau mỗi 6 tháng. Đây cũng là điều tương tự với Northern Rock, Lehman Brothers và các ngân hàng khác ở phương Tây trước khi các ngân hàng này sụp đổ.

Kể từ cuộc khủng hoảng của Lehman, tổng tín dụng cũng tăng từ mức 9.000 tỷ USD lên 23.000 tỷ USD. Điều tương tự đã xảy ra ở hệ thống ngân hàng thương mại của Mỹ trong vòng 5 năm trước khủng hoảng.

Tỷ lệ tín dụng/GDP cũng tăng vọt 75 điểm phần trăm, lên 200% GDP. Ở Mỹ, tỷ lệ tăng lên là 40 điểm phần trăm. Điều tương tự cũng xảy ra ở Nhật Bản trước khi bong bóng Nikkei vỡ tung năm 1990.

Mặc dù các ngân hàng bắt buộc phải có khoảng 3.000 tỷ USD dự trữ tại NHTW, số tiền này vẫn chưa đủ để đảo ngược tình thế khi điều tồi tệ xảy ra.

Hồi tháng 4, Fitch đã hạ xếp hạng nợ dài hạn của Trung Quốc xuống còn AA- nhưng vẫn cho rằng chính phủ có thể đối phó với một cuộc khủng hoảng ngân hàng cho dù tồi tệ đến đâu. “Chính phủ Trung Quốc có rất nhiều vũ khí có khả năng và sẵn sàng hỗ trợ khu vực ngân hàng. Câu hỏi đặt ra ở đây là điều này có ý nghĩa gì đối ới tăng trưởng, và sẽ gây nên những rủi ro xã hội cũng như chính trị như thế nào”, Chu nói.

Trung Quốc đã thành công khi tránh được kịch bản “hạ cánh cứng”, siết chặt vay nợ và hạn chế hiện tượng đầu cơ bất động sản. Tuy nhiên, vấn đề mới hóc búa hơn rất nhiều. Tỷ lệ tăng trưởng GDP trên mỗi đồng nhân dân tệ cho vay đã giảm từ 0,85 xuống chỉ cón 0,15. Đây là dấu hiệu của sự kiệt sức.

Trong khi đó, Wei Yao – chuyên gia đến từ Societe Generale – cho rằng tỷ số khả năng trả nợ (debt service ratio) của các công ty Trung Quốc đã chạm ngưỡng 30% GDP. Đây là ngưỡng thường thấy ở các cuộc khủng hoảng tài chính. Thêm vào đó, rất nhiều doanh nghiệp sẽ không có khả năng trả cả gốc lẫn lãi. Chuyên gia này cảnh báo có thể Trung Quốc sắp bước thời thời điểm Minsky – khi “kim tự tháp” nợ sụp đổ vì quá nặng.

Thu Hương

Theo Trí Thức Trẻ/Business Insider

Comments are closed.