Wall Street Journal: Kinh tế Việt Nam đang vững lên

14/08/2013 // No Comment // Categories: Tin tiêu điểm.

Nền kinh tế Việt Nam đang cho thấy những tín hiệu thoát khỏi giai đoạn khó khăn gần đây giữa lúc các nền kinh tế mới nổi trong khu vực chịu ảnh hưởng bất lợi do tăng trưởng giảm tốc ở Trung Quốc, báo Wall Street Journal nhận định.

Tờ báo dẫn một loạt số liệu thống kê thời gian qua cho thấy, xuất khẩu, tăng trưởng tín dụng, và nền kinh tế nói chung của Việt Nam đang khởi sắc. Tác giả bài báo cũng cho rằng, Chính phủ Việt Nam đang cải thiện được niềm tin khi có những bước đi cụ thể để giải quyết một loạt vấn đề vốn là nguyên nhân kéo tốc độ tăng trưởng GDP xuống mức thấp nhất trong 13 năm vào năm ngoái.

Một ví dụ cho sự khởi sắc của nền kinh tế Việt Nam mà Wall Street Journal đưa ra là doanh số thị trường ôtô tăng 25% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm tăng 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà chủ yếu là từ các công ty công nghệ cao tăng 6,4% trong cùng kỳ, đạt mức 6,65 tỷ USD.

Tăng trưởng tín dụng cũng bắt đầu tăng lên sau khi Chính phủ lập công ty mua bán nợ xấu để “làm sạch” hệ thống ngân hàng. Vốn tín dụng ngân hàng tăng 5,15% trong 7 tháng đầu năm, cho thấy sự tăng tốc mạnh từ mức tăng trưởng 0,3% trong 3 tháng đầu năm, cho dù vẫn còn ở mức thấp so với mục tiêu tăng 12% mà Chính phủ đề ra.

Những thay đổi tích cực trên đã thu hút được sự chú ý của giới đầu tư. Chỉ số VN-Index đã tăng 20% từ đầu năm đến nay, đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh nhất châu Á trong bối cảnh các thị trường chứng khoán khác trong khu vực như Thái Lan chật vật để đạt mức tăng trưởng hai con số.

Wall Street Journal bình luận, Việt Nam đang chứng minh, những thị trường sơ khai (frontier market) có thể đem đến mức lợi nhuận hấp dẫn ngay cả khi các thị trường mới nổi (emerging market) gặp khó. Chỉ số MSCI Frontier Markets Index, thước đo thị trường chứng khoán của 32 thị trường sơ khai khắp thế giới, đã tăng 14% trong năm nay, bất chấp những lo ngại về nhu cầu giảm tốc ở Trung Quốc và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm chính sách nới lỏng định lượng – vốn là những nguyên nhân khiến giá tài sản tại các nền kinh tế mới nổi sa sút trong những tháng gần đây.

Nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng đang cho thấy những tín hiệu bình ổn, Wall Street Journal nhận xét. GDP tăng 5% trong quý 2, so với mức tăng 4,8% đạt được vào cùng kỳ năm ngoái. Các quan chức và chuyên gia kinh tế dự báo, mức tăng trưởng nhanh hơn sẽ đạt được trong thời gian tới.

“Mặc dù còn sớm để đưa ra bất kỳ con số dự báo cụ thể nào cho quý 3, nền kinh tế có thể sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong quý 3 năm nay so với hai quý đầu năm”, ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, phát biểu. Việt Nam dự báo mức tăng trưởng 5,5% trong năm nay, so với mức tăng 5,03% của năm 2012.

Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cũng nhận định rằng, tín dụng tăng và vốn đầu tư nước ngoài tăng với tốc độ gần 1 tỷ USD mỗi tháng sẽ là những nhân tố giúp duy trì động lực tăng trưởng cho nền kinh tế trong thời gian còn lại của năm 2013.

Mặc dù vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Chính phủ hiện vẫn đang nỗ lực thổi một luồng sinh khí vào thị trường nhà đất và xây dựng sau đợt suy giảm vừa qua. Bong bóng bất động sản “xì hơi” được cho là nguyên nhân chính dẫn tới sự tăng vọt của nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.

Sau nhiều tháng trì hoãn, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã được thành lập và đi vào hoạt động trong tháng 7. Tuy nhiên, đến nay, VAMC vẫn chưa bắt đầu mua nợ xấu, khiến các ngân hàng còn cảm thấy ngại ngần khi cấp vốn vay vào thời điểm mà nợ xấu chiếm tới 15% tổng dư nợ – theo tính toán của tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch (Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng thì đến tháng 5/2013, tỷ lệ nợ xấu là 4,65%).

Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước cũng chưa đạt được nhiều kết quả. Để mở rộng hoạt động nhằm cạnh tranh với các công ty nước ngoài, trong thập kỷ qua, nhiều doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam đã mạnh tay vay nợ.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng lo ngại rằng Việt Nam đã cắt giảm lãi suất quá mạnh và quá nhanh. Ngân hàng Nhà nước đã hai lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, mỗi lần hạ 1 điểm phần trăm. Tuần trước, IMF kêu gọi các nhà hoạch định chính sách Việt Nam tiếp tục tập trung kiểm soát lạm phát. Mấy năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến những đợt lạm phát cao vọt.

Tuy nhiên, những tín hiệu kinh tế tích cực đang đem tới sự lạc quan rằng, Việt Nam – từng được xem là một trong những nền kinh tế có triển vọng sáng nhất châu Á – có thể cuối cùng đã trở lại với hướng đi đúng. VAMC đang chuẩn bị mua vào những khoản nợ xấu đầu tiên, Chính phủ đang bắt đầu tung ra gói vốn vay trị giá 1,4 tỷ USD để hỗ trợ các dự án bất động sản dành cho người có thu nhập thấp.

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Michael Kokalari thuộc công ty chứng khoán Maybank Kim Eng, gói hỗ trợ này ít nhất sẽ giải tỏa được một vài mối lo trên thị trường bất động sản.

Sắp tới, các nhà đầu tư nước ngoài có thể rót vốn nhiều hơn vào Việt Nam. Chính phủ đang xem xét tăng trần tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán lên 59% từ mức 49%. Kế hoạch này có tiềm năng thu hút sự quan tâm lớn hơn đối với cổ phiếu Việt Nam.

“Việt Nam đang chuẩn bị cho những chuyển biến lớn trong năm 2014”, ông Kokalari nhận xét.

Theo Vneconomy

Comments are closed.