Dòng vốn 3.900 tỷ USD đảo chiều rút khỏi thị trường mới nổi

20/08/2013 // No Comment // Categories: Tin khu vực.

Tiền của các thị trường mới nổi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng bốc hơi nguồn vốn đột ngột khỏi các thị trường này.

Dòng vốn 3.900 tỷ USD đổ vào các thị trường mới nổi 4 năm qua bắt đầu đảo chiều, trở lại các nền kinh tế phát triển kể từ khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu ngừng nới lỏng định lượng do kinh tế Mỹ tiếp tục phục hồi.

Một ví dụ cho thấy sự đảo chiều dòng vốn này đó là, khoảng 95 tỷ USD đổ vào thị trường cổ phiếu Mỹ trong khi hơn 8 tỷ USD rút khỏi thị trường mới nổi, theo số liệu tổng hợp của Bloomberg.

Trong khi Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác xuất hiện nhiều dấu hiệu phục hồi, các thị trường mới nổi bắt đầu lộ ra những vấn đề bất cập. Ấn Độ liên tiếp thâm hụt kỷ lục, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và tình trạng nợ công tăng đáng báo động, Thái Lan bất ngờ suy thoái kỹ thuật trong quý II, Brazil đối mặt với lạm phát kéo dài.

Trong bối cảnh này, nhà đầu tư thận trọng rút tiền khỏi các thị trường mới nổi, trở lại với các thị trường phát triển như Mỹ, châu Âu. Tiền của các thị trường mới nổi, đặc biệt là rupee của Ấn Độ và real của Brazil có thể coi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng bốc hơi nguồn vốn đột ngột.

Hôm qua 19/8, rupee xuống thấp nhất 4 năm trong khi đồng real của Brazil cũng xuống thấp nhất kể từ tháng 3/2009. Bất chấp các biện pháp ứng cứu của ngân hàng trung ương, kể từ đầu năm, giá trị của rupee và real lần lượt mất 13% và 15%.

Real mất giá làm phức tạp thêm nỗ lực kiềm chế lạm phát của Brazil trong khi đó rupee mất giá kỷ lục có thể đẩy Ấn Độ rơi vào một cuộc khủng hoảng toàn diện.

Tiền mất giá cũng là nguyên nhân khiến nhà đầu tư nước ngoài đang rút mạnh tiền khỏi các thị trường chứng khoán châu Á vốn được coi là điểm nóng của thế giới trước kia như Indonesia, Thái Lan, Malaysia. Kết thúc phiên hôm qua, chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Indonesia giảm tới 5,6% khi khối ngoại bán ròng 169 triệu cổ phiếu, mức bán ròng lớn nhất kể từ tháng 6 vừa qua. Đồng rupiah chạm 10.500 rupiah/USD phiên hôm qua, thấp nhất kể từ 2009.

“Thị trường mới nổi châu Á đang xuống, và USD lại là vua”, kinh tế trưởng tại ngân hàng Kotak Mahindra ở Mumbai nhận định. Tuy nhiên, kinh tế trưởng của World Bank, ông Kaushik Basu, cho rằng, tình hình châu Á sẽ trở nên tồi tệ hơn, thậm chí thực tế châu Á có thể vẫn tăng trưởng tốt hơn các khu vực khác trên thế giới.

Theo dự báo của IMF hồi tháng 7, các nền kinh tế châu Á đang phát triển sẽ tăng trưởng khoảng 6,9% trong năm nay so với tăng trưởng 3,1% của toàn thế giới và 1,2% của các nền kinh tế phát triển.

Theo gafin

Comments are closed.