“Chính phủ vạch kế hoạch khá tốt, giờ là lúc xắn tay áo lên …”

26/08/2013 // No Comment // Categories: Tin tiêu điểm.

“Cái cần là sự tự tin, và tôi ngờ rằng ở khoản này chúng ta vẫn còn thiếu một chút”, Chủ tịch KPMG Việt Nam John Ditty nhận xét.

Bên lề Hội thảo về ngành ngân hàng của KPMG năm 2013, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với ông John Ditty, Chủ tịch KPMG Việt Nam. Ông John Ditty hiện đang trực tiếp phụ trách mảng tư vấn quản trị rủi ro tại KPMG Việt Nam.

Một số người cho rằng căng thẳng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam đã lắng dịu. Theo ông tiếp sau sự lắng dịu ấy là viễn cảnh nào: quay lại xu hướng tăng trưởng cũ như Thụy Điển sau năm 1994, trì trệ kéo dài như Nhật Bản sau năm 1991 hay tiếp tục khốn khó như Mỹ năm 1935?

Ông John Ditty: Đúng là một số rủi ro đã lắng dịu vì hiện có rất nhiều thanh khoản trên thị trường so với thời điểm cách đây 12 tháng. Các ngân hàng hiện nay có dư tiền cho vay, vấn đề là có ít khách hàng đủ hài lòng hoặc sẵn sàng vay do họ vẫn chưa chắc chắn vào tương lai.

Tôi không nghĩ chúng ta sẽ phải trải qua một thời kỳ khốn khó nữa, nhưng cũng không có đợt cất cánh ấn tượng nào đâu, mọi thứ sẽ cải thiện từ từ. Tình hình sẽ còn khó khăn thêm 10-12 tháng nữa.

Ý ông là chúng ta sẽ trải qua một sự kết hợp nào đó giữa một Nhật Bản trì trệ và một Thụy Điển cất cánh?

Tôi nghiêng về phía Thụy Điển nhiều hơn. Nhật Bản có nhiều vấn đề nghiêm trọng về cơ cấu kinh tế, đó là một thị trường hoàn toàn khác so với Việt Nam.

“Người ta nói đến tái cơ cấu DNNN, tái cơ cấu hệ thống tài chính, v.v… cứ như thế đó là những câu chuyện độc lập vậy.”

Cơ bản mà nói, trong dài hạn cơ cấu dân số của Việt Nam vẫn tốt. Việt Nam có thể dễ dàng tăng trưởng 5%/năm. Vấn đề là như thế chưa đủ và chúng ta muốn quay lại mức 6,5-7%. Nên nhớ có một thời gian dài Nhật tăng trưởng 0%, còn Việt Nam vẫn đang ở mức 5-5,5%.

Rõ ràng là tôi muốn thấy con số tăng trưởng cải thiện một chút so với hiện nay, nhưng chắc chắn không có chuyện rơi vào vết xe đổ của nước Nhật 20 năm trước.

Ông có hài lòng với quá trình tái cơ cấu đang diễn ra ở Việt Nam không?

Người ta nói đến tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu hệ thống dịch vụ tài chính, v.v… cứ như thể đó là những câu chuyện độc lập vậy. Nhưng tái cơ cấu (structural reform) khó nhất là ở chỗ các ngành hay các lĩnh vực đều có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Khi tái cơ cấu một bộ phận của nền kinh tế, các bộ phận khác sẽ bị ảnh hưởng.

Tôi nghĩ chính phủ đang cố tiến hành tái cơ cấu toàn diện, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc phải cân đối nhiều nhu cầu khác nhau ở nhiều ngành khác nhau. Không thể tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà không tính tới tác động đến các NHTM đã cho DNNN vay. Ngoài ra còn một loạt các câu hỏi khác như cải cách tốn kém thế nào, chi phí lấy ở đâu, có ngân sách để làm không, thu thêm loại thuế gì để bù vào? Thế đấy, muốn tái cơ cấu là phải toàn diện, không thể chỉ chọn một hai lĩnh vực mà làm được.

Bên cạnh đó, phải làm mọi thứ ở tốc độ hợp lý, phải giữ được những thành tựu đã đạt được trong 10-20 năm qua. Đừng chăm chăm vào một lĩnh vực rồi lại làm nảy sinh vấn đề trong những lĩnh vực khác.

Theo ông tiến độ tái cơ cấu hiện nay đã hợp lý chưa?

Nói đến chuyện vạch kế hoạch hành động thì chính phủ và nhiều bộ ngành đang làm khá tốt. Nhưng đến lúc triển khai kế hoạch thì chắc ai cũng đồng ý rằng mọi thứ nên chuyển động nhanh hơn.

“Thêm Thông tư 02 ngay bây giờ là thêm cho họ [ngân hàng] một thứ để “tung hứng” mà thôi.”

Nên lưu ý là tái cơ cấu phải mất thời gian. Tái cơ cấu tức là thay đổi, thay đổi cả về hành vi lẫn suy nghĩ của từng người. Không thể cứ nói “thay đổi” là người ta thay đổi ngay được.

Tôi đã ở Việt Nam 20 năm. Những gì Việt Nam đã làm được trong 20 năm ấy là cực kỳ ấn tượng. Chúng ta thường nói “thế vẫn chậm” nhưng thực sự thì thế là khá nhanh so với nhiều nước khác. Dù sao thì tôi vẫn muốn nó diễn ra nhanh hơn, nhưng với điều kiện là không sinh ra hai “bất”: bất ổn, và bất trắc.

Ngân hàng Nhà nước vừa hoãn Thông tư 02 thêm một năm. Theo ông đây có phải một cơ hội bị bỏ lỡ? Liệu cộng đồng đầu tư có coi đây là tín hiệu cho thấy NHNN chần chừ hoặc thiếu quyết tâm trong cải cách?

Tôi không nghĩ thế, chuyện trì hoãn là có thể hiểu được. Liệu chúng ta có nên tiếp tục yêu cầu thực hiện khi các ngân hàng chưa sẵn sàng? Chính phủ ở một số nước khác cũng thường nói: “chúng tôi muốn thực hiện nhưng mọi thứ chưa sẵn sàng” hoặc “chúng ta nên chờ đến khi mọi người đã sẳn sàng”.

Thách thức với NHNN là phải để cho các ngân hàng hiểu Thông tư 02 “chỉ hoãn chứ không hủy”. Và điều tôi hy vọng là trong 12 tháng nữa các ngân hàng sẽ không lặp lại điệp khúc: “Ôi, chúng tôi chưa sẵn sàng, hoãn tiếp nhé?” NHNN cần gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng: “Chúng ta đã có thời gian thích nghi. Thông tư này ban hành từ lâu lắm rồi. Nó phải được thi hành. Không có chuyện hoãn vì các anh không chịu thay đổi.”

Tôi cũng không nghĩ đây là một cơ hội bị bỏ lỡ. Hiện các ngân hàng đã vướng phải quá nhiều vấn đề rồi. Thêm Thông tư 02 ngay bây giờ là thêm cho họ một thứ để “tung hứng” mà thôi.

“Cái tôi chưa thấy là có người thực sự xắn tay vào làm. Vẫn là bàn bạc, vẫn là chuẩn bị, vẫn là chuyện của “sẽ”.”

Còn về các nhà đầu tư quốc tế thì phải nói là họ luôn quan ngại khi có một chính sách quan trọng bị trì hoãn. Nhưng trong trường hợp này, tôi không nghĩ sẽ có tác động gì lớn.Phần lớn các nhà đầu tư quan tâm tới Việt Nam và đã bỏ tiền vào Việt Nam đều hiểu câu chuyện đằng sau là gì, họ sẽ không quá lo lắng về điều này.

Nếu có quyền điều hành, ông sẽ “mạnh tay” nhất ở khía cạnh nào?

Rất may là tôi không có quyền điều hành (cười). Tôi nghĩ vẫn còn đó các vấn đề trọng yếu trong hệ thống ngân hàng liên quan đến việc giải quyết nợ xấu và tình hình tài chính của các ngân hàng này. Ít nhất chúng ta đã dám thừa nhận có nợ xấu. Ba năm trước không có chuyện ấy đâu. Cũng có một số kế hoạch để giải quyết nợ xấu, ví dụ như VAMC và các chính sách khác của chính phủ.

Cái tôi chưa thấy là có người thực sự xắn tay vào làm. Vẫn là bàn bạc, vẫn là chuẩn bị, vẫn là chuyện của “sẽ”. Tôi nghĩ cứ nên quyết liệt làm đi rồi vừa làm vừa học. Đó là điều tôi muốn thay đổi.

Liệu đó có phải phương pháp thử-sai-làm lại không, thưa ông?

Không phải, bạn chỉ thử-sai khi không chắc cái gì đang diễn ra thôi. Tôi nghĩ chúng ta đã tương đối hiểu sự việc bây giờ là như thế nào và sẽ diễn ra như thế nào. Cái chúng ta cần là sự tự tin, và tôi ngờ rằng ở khoản này chúng ta vẫn còn thiếu một chút.

Không ai dám là người đầu tiên, không ai dám làm vật thí nghiệm, nhưng tôi nghĩ, quan trọng nhất là chúng ta nên có hành động cụ thể trong việc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu vốn ngân hàng và xử lý triệt để các vấn đề trọng yếu.

Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Minh Tuấn

Theo Trí Thức Trẻ

 

Comments are closed.