Nên thay GDP bằng một chỉ số khác?

26/02/2014 // No Comment // Categories: Tin thế giới.

Ngày nay, giới truyền thông và cộng đồng kinh tế thường sử dụng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) – chỉ số đo lường tất cả các hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra trong một quốc gia ở một thời kỳ nhất định – là thước đo sức mạnh của một nền kinh tế.

Tuy nhiên, thực chất thì GDP là một tiêu chí khá mới để đánh giá các nền kinh tế. Trên thực tế, khái niệm này chưa xuất hiện cho đến tận đầu thế kỷ 20, khi cuộc Đại suy thoái và sau đó là Chiến tranh thế giới thứ 2 buộc Washington phải bắt đầu coi chi tiêu của chính phủ và dịch vụ và chiến tranh là điều tích cực đối với nền kinh tế.
Quá trình thu thập và tính toán dữ liệu để cho ra chỉ số GDP cũng không hề đơn giản, kể cả ở những ngày đầu tiên – khi nền kinh tế ít phức tạp hơn so với hiện nay. Phải mất nhiều thập kỷ để hơn một chục quốc gia tạo nên các cán cân quốc gia và để các nhà kinh tế học cũng như kinh tế học đưa ra biện pháp so sánh GDP qua các thời kỳ và GDP của các quốc gia.
Và, công việc ấy vẫn tiếp diễn cho tới ngày nay. Ví dụ, sau khi điều chỉnh đồng tiền theo lạm phát, ta sẽ có được GDP thực. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm liên tục được nâng lên và các hàng hóa dịch vụ mới liên tiếp ra đời khiến việc tính toán biến động giá ngày càng khó khăn hơn.  Một chiếc laptop sản xuất năm 2013 chắc chắn sẽ rất khác so với chiếc sản xuất năm 2004, kể cả khi có mức giá tương đương. Trong khi đó, cách đây chỉ một vài thập kỷ, giá của một chiếc máy tính là vô hạn bởi lúc đó máy tính chưa hề tồn tại. Khó có thể biểu thị quá trình chuyển đổi này trong một chỉ số giá đơn giản.
Thêm vào đó, mặc dù đã đạt được những cải thiện đáng kể, so sánh GDP của các quốc gia vẫn là điều khó khăn, đặc biệt là với sự khác biệt lớn về cấu trúc kinh tế và cách mà người tiêu dùng sử dụng thu nhập của họ. Mặc dù các nhà kinh tế học không ngần ngại sử dụng phép khái quát, ấn tượng về tăng trưởng của các nền kinh tế khác nhau trong những thời gian khác nhau phụ thuộc vào phương pháp thống kê. Ví dụ, nhắc đến những điều chỉnh về chất lượng máy tính những năm 1990 khiến chúng ta có cảm tưởng kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt hơn khá nhiều so với các quốc gia khác.
Chỉ số GDP còn bỏ qua một số yếu tố quan trọng khác. GDP không hề nhắc đến những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường trong quá trình sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Và, mặc dù tăng trưởng GDP được coi là thước đo quan trọng khi xem xét quá trình phát triển của một quốc gia, chỉ số này không thể hiện những vấn đề như hạnh phúc của người dân hoặc phúc lợi xã hội. Khi các quốc gia chống chọi với khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 – 2008, một số người còn tự hỏi liệu có phải mô hình tính toán GDP đã đánh giá quá cao những đóng góp của khu vực tài chính cho nền kinh tế.
Với tất cả những vấn đề trên, một số người cho rằng nên thay thế GDP bằng những thước đo hoàn toàn mới, ví dụ như chỉ số hạnh phúc quốc gia. Những chỉ số được đưa ra không né tránh nhu cầu phải đo lường các hoạt động kinh tế, nhưng rõ ràng là cách đánh giá diễn biến của nền kinh tế đang thay đổi. Dẫu vậy, đo lường diễn biến của nền kinh tế vẫn là công việc phải được tiến hành.
Và, trên đường tìm ra một chỉ số mới, các nhà kinh tế học sẽ phải đối mặt với 3 vấn đề lớn. Thứ nhất, nền kinh tế ngày càng trở nên phức tạp với sự cải tiến không ngừng của hàng hóa dịch vụ và chuỗi sản xuất ngày càng mở rộng phạm vi toàn cầu hóa. Thứ hai, dịch vụ và những tài sản vô hình (trong đó có các hoạt động trực tuyến) ngày càng chiếm tỷ trọng lớn ở các nền kinh tế phát triển. Và cuối cùng là câu hỏi cấp bách về tính bền vững – liệu việc khai thác nguồn tài nguyên hiện nay có khiến tăng trưởng GDP trong tương lai bị xói mòn hay không?
Thu Hương

Theo Trí Thức Trẻ/Foreign Affairs

Comments are closed.