‘GDP tăng 8-9% mới mong bắt kịp các nước ASEAN’

04/07/2014 // No Comment // Categories: Tin trong nước.

Tại Diễn đàn Kinh doanh 2014 với chủ đề “Việt Nam – cơ hội mới” diễn ra ngày 3/7, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhận đinh kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã từng bước ổn định, cán cân thanh toán thặng dư, dự trữ ngoại hối đạt trên 12 tuần và chỉ số giá tiêu dùng năm nay chắc chắn được kiểm soát dưới 5%.

“Tôi cho rằng, năm nay tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn năm ngoái, đạt khoảng 5,8%”, Phó thủ tướng nói.

Thách thức hiện nay còn rất lớn, đại diện Chính phủ nhấn mạnh rằng nếu không muốn bị tụt hậu so với các nước trong khu vực, Việt Nam không có lựa chọn nào khác, buộc phải làm sao tăng trưởng từ mức 5-6% hiện nay lên 8-9% trong thời gian gần nhất.

“Muốn vậy thì tất cả chúng ta phải nỗ lực. Sự nỗ lực ấy không chỉ trong thời bình mà ngay cả trước đây, chúng ta đã từng hy sinh rất nhiều để cho đất nước được độc lập, nhân dân được tự do và mọi người đều hạnh phúc”, ông nói.

phat-bieu-tai-Dien-dan-Kinh-do-3234-9615
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại Diễn đàn kinh doanh 2014. Ảnh:Thanh Tân.

Theo Phó thủ tướng, cái hạnh phúc ấy của người dân trong thời điểm này chỉ thực sự có được khi Chính phủ cùng với mọi ban ngành phải đổi mới mạnh mẽ và tìm ra được động lực mới để phát triển. “Tôi cũng phải nói rằng, nếu Chính phủ không tìm ra được sự đổi mới thì người dân chắc chắn sẽ không bao giờ chấp nhận”, ông Đam nhấn mạnh.

Ông Đam cũng cho biết, Chính Phủ đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm từ 2016-2020. Kế hoạch này đặt ra mục tiêu tăng trưởng là cao hơn nhiệm kỳ trước. Đồng thời phải giải quyết được các vấn đề xã hội, môi trường, tiến hành cải cách mạnh mẽ giáo dục, ý tế và phát triển tốt lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Theo Phó thủ tướng, để thực hiện mục tiêu này cần phải có nhiều chính sách đồng bộ và sự quyết tâm về chính trị rất cao. Bởi thách thức hiện rất nhiều, đầu tiên là Chính Phủ làm sao giải quyết cho được 3 điểm nghẽn. Thứ nhất phải hoàn thiện thật nhanh được cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo được môi trường kinh tế bình đẳng.

Thứ hai là hạ tầng Việt Nam hiện còn rất khó khăn, hạn chế, thời gian tới phải nâng cấp được đường xá nếu không chúng ta sẽ khó có thể phát triển. Thứ ba là phải phát triển được nguồn nhân lực trẻ, dồi dào với một trình độ nhất định.

Chia sẻ quan điểm trên của Phó thủ tướng, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam nhìn nhận, nếu thống kê trong 20 năm qua thì so với Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam được xem là đã có giai đoạn phát triển tốt nhất (trừ một vài năm gần đây, tăng trưởng có sự chậm lại).

Bà cho rằng Việt Nam từng thu hút nhà đầu tư nước ngoài rất tốt, đa dạng hoá được sản phẩm, có lợi thế cạnh tranh về nhân lực, môi trường chính trị ổn định… Tuy nhiên, trong môi trường cạnh tranh lớn toàn cầu thì Việt Nam cần phải có sự cải thiện lớn.

Theo bà Victoria, Việt Nam chưa hiệu quả về sử dụng vốn, nguồn tài nguyên không được khai thác tốt, chi phí hoạt động còn cao, chưa kể đến cải cách về hành chính, kinh tế quá chậm. Việc phân bổ vốn cho lĩnh vưc tư còn yếu. …”Để tăng trưởng mạnh, Chính phủ Việt Nam phải cải thiện những vấn đề trên”, bà chia sẻ.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cũng cho rằng, trong thời gian qua chính sách của Chính Phủ đúng là hy sinh nhiều thứ để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Tình hình kinh tế hiện nay tuy có sự cải thiện nhưng các doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do Việt Nam đã trải qua thời kỳ tăng trưởng “nóng” mà không chú ý đến chất lượng.

Tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn Nhà nước làm sao có thể giúp họ rút ngắn tối đa thời gian và công sức cho các thủ tục hành chính để tập trung vào hoạt động kinh doanh. Ông Vũ Đức Đam chia sẻ, mới đây đích thân Thủ tướng đã từng đứng lên xin lỗi người dân về vấn đề này. “Đấy không chỉ là xin lỗi của cá nhân Thủ tướng mà còn là của cả Chính phủ”, ông nhấn mạnh.

Ông Đam cho biết, hàng năm Chính phủ thường đưa ra các nghị quyết. Năm nay đã có nghị quyết thứ hai về cải thiện môi trường kinh doanh. “Chúng tôi đã nhờ các tổ chức quốc tế, đặc biệt là WB đứng ra nghiên cứu, xem xét từng điểm nghẽn của doanh nghiệp để Chính phủ giao cho các bộ ngành xử lý”.

Phó thủ tướng cũng dẫn chứng, khi thống kê và thấy rằng, hiện nay mỗi năm, một doanh nghiệp trung bình mất 870 giờ để nộp thuế trong khi các nước ASEAN chỉ mất 171 giờ. Ngay lập tức Chính phủ yêu cầu đến 2015 phải hạ xuống ít nhất bằng với mức này. “Nhiều người cho rằng đây là một nhiệm vụ bất khả thi nhưng Chính phủ nêu quyết tâm phải làm được”.

Hiện nay, ông Đam cho biết Chính phủ cũng cho lập một diễn đàn và mời chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phụ trách và làm đầu mối tiếp nhận toàn bộ những phản ảnh của doanh nghiệp về các bất cập để Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan xử lý.

“Chúng tôi rất mong doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài…góp ý cụ thể về những vướng mắc. Chính phủ sẽ tiếp thu nghiêm túc để báo cáo với Quốc hội, cốt làm sao có thể tiến tới Nhà nước pháp quyền. Tất cả người dân và doanh nghiệp đều được làm những việc gì mà pháp luật không cấm”, Phó thủ tướng chia sẻ.

 

Theo Lệ Chi – VnExpress

Comments are closed.