Bán nợ cho NĐT nước ngoài: Không dễ

17/07/2014 // No Comment // Categories: Tài chính - Ngân hàng.

Yếu tố then chốt vẫn là cơ chế hiện nay chưa cho phép sở hữu đất và giá bán các khoản nợ có hấp dẫn các NĐT nước ngoài hay không?

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Vinacapital cho rằng, với các NĐT nước ngoài, lĩnh vực được quan tâm tại thị trường Việt Nam hiện nay vẫn là tiêu dùng, tài chính –NH. Nhất là trong thời kỳ Việt Nam đang tái cấu trúc ngành NH mạnh mẽ và đi vào thực chất.

Tuy nhiên, theo ông Andy Ho, để thu hút được nguồn vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam, trước hết phải tạo điều kiện để NĐT nước ngoài tham gia vào thị trường mua bán nợ. Qua đó, bằng nguồn lực tài chính, các NĐT có thể tham gia tái cơ cấu các dự án đang đầu tư dở dang nhưng thiếu vốn hoặc không đủ khả năng để hoàn tất.

Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright – ông Nguyễn Xuân Thành cũng cho rằng, mặc dù đã nỗ lực xử lý trong điều kiện hiện có, nhưng nợ xấu của Việt Nam vẫn cao. Theo thống kê của NHNN, nợ xấu đến cuối tháng 6/2014 vẫn chiếm hơn 4% tổng dư nợ toàn Ngành. Một phần do nguồn lực tài chính hạn chế nên năng lực giải quyết “dứt điểm” của VAMC cũng có hạn.

Trong khi đó, sức ép xử lý nợ xấu cần được tăng tốc để tháo gỡ khó khăn cho ngành NH, làm cơ sở khơi thông tín dụng. Do vậy, theo ông Thành, cần thiết phải có cơ chế đặc thù để thu hút các NĐT nước ngoài tham gia mua nợ xấu.

Trong thời gian qua, VAMC đã mua nợ xấu của các NH với giá khá cao, mức chiết khấu chỉ dưới 10% nên việc bán lại cho NĐT nước ngoài không hẳn dễ. Bởi thông thường, khi mua nợ, giá cả phải được hai bên nhận thức là hợp lý để dễ thỏa thuận thành công. Người mua lại nợ không thể giữ quan điểm là mua giá trị nợ xấu mà chỉ là giao dịch mua – bán một tài sản bình thường. Vì thế, cho dù thị trường mua – bán nợ được hình thành, nếu VAMC bán tài sản với quan điểm là khoản thế chấp cho nợ xấu thì cũng chưa hẳn đã hấp dẫn được các NĐT nước ngoài.

Do đó, để đánh giá được khả năng bán nợ xấu cho NĐT nước ngoài phải xét đến yếu tố có hình thành việc mua – bán nợ theo giá thị trường hay không và VAMC sẽ bán nợ xấu với quan điểm giá nào: giá trị nợ xấu gắn với tài sản hay giá thị trường của tài sản đó.

Trong khi đó, theo lãnh đạo của một NH, việc bán nợ với giá nào không phải là vấn đề quan trọng và quyết định trong việc bán nợ cho NĐT nước ngoài hiện nay. Nếu bán giá thấp, các NHTM chịu thiệt chứ không phải do VAMC, vì bản chất của việc bán nợ xấu cho VAMC là NH nhận lại trái phiếu, nhưng phải tự xử lý nợ.

Do vậy, yếu tố then chốt của việc xử lý tài sản thế chấp cho các khoản nợ xấu vẫn là chính sách chưa cho phép NĐT nước ngoài được sở hữu BĐS gắn với đất đai nên chưa thể bán nợ cho NĐT nước ngoài. VAMC cho biết, đang xem xét ký hợp đồng với một số NĐT nước ngoài, trong đó, 2 công ty tư vấn nước ngoài đã khảo sát thực tế để tiến hành mua nợ. Dự kiến, trong quý III/2014, những khoản nợ đầu tiên sẽ được bán ra cho NĐT nước ngoài, để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV VAMC cho biết, công ty đã làm việc với nhiều tổ chức quốc tế và các đơn vị mua nợ của nước ngoài có mong muốn mua nợ tại Việt Nam. Nhằm tạo điều kiện cho các NĐT, công ty đã lên danh mục 10 tài sản đảm bảo với tổng giá trị 7.800 tỷ đồng, gồm các dự án chung cư, cao ốc văn phòng, bệnh viện, nhà xưởng, khu công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và Hải Dương…

Theo Phó thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh, nếu NĐT nước ngoài mua lại thì họ phải cho toàn quyền quyết định về khoản nợ đó, trong khi luật pháp Việt Nam chưa cho phép người nước ngoài và Việt kiều được sở hữu tài sản là BĐS gắn với quyền sử dụng đất.

Đó cũng chính là lý do vì sao chưa thể sớm hình thành được thị trường mua – bán nợ để xử lý triệt để nợ xấu và thu hút NĐT nước ngoài mua, bán nợ xấu của Việt Nam, cho dù nhu cầu của họ rất lớn. Trong khi các tài sản đảm bảo, thế chấp chủ yếu là BĐS nên mua nợ xấu cũng có nghĩa là nắm quyền sở hữu các tài sản BĐS, trong đó có quyền sử dụng đất. Vì thực tế, mua bán nợ là nắm khế ước nợ, họ phải hoàn toàn có thể quyết định được mọi vấn đề liên quan đến BĐS.

TS. Cao Sỹ Kiêm cho rằng, trước mắt rất khó có thể kỳ vọng được việc bán nợ xấu cho NĐT nước ngoài vì trong Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn chưa cho phép quyền sở hữu tư nhân về đất đai.

Theo Quỳnh Vũ

Thời báo ngân hàng

Comments are closed.