Vẫn chưa phải là thời điểm đầu tư các cổ phiếu ngành thủy sản ?

24/03/2011 // No Comment // Categories: Phân tích doanh nghiệp.

Ngày 9/3/2011, truyền hình Đức có một phóng sự về tình hình nuôi và chế biến cá tra tại Việt Nam, trong đó hình ảnh cá tra được vẽ lên với rất nhiều bất lợi.

Cụ thể, WWF cho rằng người dân sử dụng 50 loại kháng sinh cho quá trình nuôi, lao động trong nhà máy như nô lệ, môi trường nuôi là sông Mekông bị ô nhiễm. Mặc dù trước đó, ngày 15/1/2010, WWF đã đồng ý đưa cá tra ra khỏi danh sách đỏ tại 6 nước châu Âu (Đức, Áo, Thụy Điển, Na Uy, Bỉ, Đan Mạch) và đến 2/2011, cá tra đã hoàn toàn ra khỏi danh sách này.

Có thể nói rằng, sự kiện này sẽ có ảnh hưởng phần nào đến việc xuất khẩu cá tra sang EU vì Đức là một thị trường lớn, chiếm 6.4% kim ngạch, chỉ sau Mỹ (12.37%) và Tây Ban Nha (8.42%). Hơn nữa, đặc điểm chung của thị trường châu Âu là đặt tiêu chuẩn “xanh –sạch” lên hàng đầu. Tuy nhiên, sự kiện này chỉ mới ảnh hưởng trên phương diện truyền thông vào ý thức người tiêu dùng (mang tính lâu dài) chứ không mang tính thi hành luật pháp (ngay lập tức) đến hoạt động xuất khẩu.

Khi Bộ thương mại Mỹ (DOC) ra quyết định sơ bộ vào T10/2010 với mức thuế đề nghị rất cao, SBS đã cho rằng VASEP khó lòng đảo ngược tình thế vì áp lực của Hiệp hội chủ trại cá nhep Mỹ (CFA) lên DOC là rất lớn. Các chuyên gia trong ngành cho rằng việc tăng sức ép lên sản phẩm thủy sản của Việt Nam chủ yếu xuất phát từ động cơ chính trị (bảo vệ hàng nội địa) thay vì là vấn đề về vệ sinh thực phẩm hoặc giá cả.

Tuy nhiên, việc VASEP đã thành công trong việc đưa mức thuế về mức cũ và đưa cá tra ra khỏi danh sách đỏ là một điểm vô cùng nổi bật của ngành cá tra trong năm nay. Bên cạnh giải quyết được nỗi lo về tài chính (ký quỹ thuế chống phá giá), sự kiện này còn cho thấy ngành cá Việt Nam đang chứng tỏ được năng lực thương thuyết và khả năng ảnh hưởng trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, ngành cá tra vẫn còn vướng những rào cản thương mại tiềm ẩn, như dự luật Farm Bill, hiện đang dự thảo và được tranh cãi bởi chính Quốc hội và Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Từ tháng 10/2010, VASEP đã liên tục làm việc với WWF và thúc ép các nước đưa cá tra ra khỏi danh sách đỏ. SBS cho rằng tổ chức này cũng sẽ tiếp tục các hoạt động phản đối WWF trong thời gian tới và đẩy mạnh quảng bá sản phẩm sang thị trường này.

Ảnh hưởng của sóng thần tại Nhật Bản, Theo VASEP, thiên tai này khiến toàn bộ giao dịch kinh doanh thủy sản bị đứt quãng nên từ nay đến tháng 6, tình hình xuất khẩu thủy sản (nhất là sản phẩm tôm) sẽ gặp khó khăn hơn. Do dự báo nhu cầu thủy sản của người dân sẽ giảm, các mặt hàng cao cấp sẽ nhường chỗ cho các sản phẩm tiện lợi và đồ hộp.

Ảnh hưởng lên các cổ phiếu thủy sản, Sự kiện giảm thuế cho các công ty cá tra vào Mỹ sẽ có tác động tích cực lên ngành cá tra và các công ty vào thị trường này, cụ thể nhất là VHC và ACL. Sau sự kiện này, SBS đánh giá cao VHC, không những về quy mô thị trường, giá trị cốt lõi mà còn về khả năng hội nhập trên thị trường thế giới.

Như vậy, ngành thủy sản Việt Nam đã gỡ bỏ được 1 rào cản lớn trên thị trường xuất khẩu cho năm nay. Tuy nhiên, SBS vẫn cho rằng, Qúy 2 vẫn chưa phải là thời điểm đầu tư các cổ phiếu ngành này vì SBS dự phóng kết quả Qúy 1 không cao, với biên lợi nhuận bị thu hẹp, vì những lý do:

(I) Giá nguyên liệu đang ở mức cao (cá tra) và khan hiếm (tôm) trong khi giá xuất khẩu không tăng nhiều, do nguồn cung từ các nước cạnh tranh (Thái Lan, Indonesia) được cái thiện.

(II) Theo tính chất mùa vụ, Qúy 1 là thời điểm xuất khẩu thủy sản thấp nhất trong năm.

(III) Giá điện tăng vừa qua và việc cắt điện luân phiên sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các công ty thủy sản vì đây là mặt hàng đông lạnh, tiêu thụ điện năng lớn và liên tục.

(IV) Là các công ty cần nguồn vốn vay ngắn hạn lớn tài trợ cho vốn luân chuyển, việc lãi suất ngân hàng tăng lên 18% – 19% trong thời gian này sẽ có tác động xấu đến ngành, đặc biệt khi biên lợi nhuận gộp của ngành chỉ ở mức 15% – 20%.

Báo cáo cập nhật ngành Thủy sản

Theo ATP

Comments are closed.