Cắt lỗ hay giữ cổ phiếu: Tiếng kêu vô thức?

22/04/2011 // No Comment // Categories: Kiến thức đầu tư.

Bài học xương máu đầu tiên của chứng khoán là phải biết cắt lỗ trước khi quá muộn, nhưng có mấy ai đủ can đảm làm được cái bí quyết gia truyền ấy khi mà thị trường lúc xuống lúc lên, luôn tạo cho người ta những ảo ảnh hy vọng về một đợt tăng trưởng.

Mất phương hướng

“Loạn rồi! Mất hết phương hướng rồi”- lời ca thán này quá cay nghiệt chăng? Nhưng đó lại chính là tiếng vọng của một nhà đầu tư trên những diễn đàn chứng khoán, nơi đang nổi lên sự giễu cợt, chỉ trích, cay đắng và cả vô thức của rất nhiều nhà đầu tư khác vào những ngày này, tháng này.

Làm sao mà không ca thán cho được khi người lỗ 30-40% đã được coi là “thành đạt”, trong lúc quá nhiều người đã lỗ đến 60-70% danh mục cổ phiếu của mình. Giữa tháng 4/2011, đã có khoảng 300 cổ phiếu trên hai sàn HOSE và HNX có giá dưới mệnh giá 10.000 đồng, chiếm tỷ lệ gần 45% trên tổng số 667 mã chứng khoán đang niêm yết. Trong số đó có đến hai chục mã có giá dưới 5.000 đồng/cổ phiếu. Thị giá của loại siêu thấp như VTA của HNX đã về đến dưới 3.000 đồng, xấp xỉ một ly trà đá.

Cứ 3 công ty chứng khoán thì một lãi, một hòa vốn, một lỗ. Nhưng có lẽ đó chỉ là cách nhìn dung dị để an ủi, chứ nếu tính toán cho cặn kẽ thì giá trị lỗ lớn hơn hẳn giá trị lãi, ngay cả những “đại gia” như SSI, VND cũng còn âm nặng thì huống chi là các công ty có thị phần môi giới nhỏ hơn. Còn nếu lấy công ty chứng khoán Kim Long ra như một “điển hình tiên tiến” về lãi thì thật chẳng may, cái lãi đó lại từ tiền… gửi tiết kiệm ngân hàng.

Đến lúc này, phần lớn nhà đầu tư ít nhiều cùng chung tâm trạng mất phương hướng. Bài học xương máu đầu tiên của chứng khoán là phải biết cắt lỗ trước khi quá muộn, nhưng có mấy ai đủ can đảm làm được cái bí quyết gia truyền ấy khi mà thị trường lúc xuống lúc lên, luôn tạo cho người ta những ảo ảnh hy vọng về một đợt tăng trưởng.

Chỉ đến khi tỷ lệ lỗ trong danh mục cổ phiếu lên đến năm chục phần trăm thì nhà đầu tư mới té ngửa: việc cắt lỗ hình như đã không còn hợp thời. Và cũng chẳng còn hợp với lòng người nữa. Đến thế thì cứ để nguyên cổ phiếu, bởi để nguyên thì vẫn còn có hy vọng vớt vát chút đỉnh nếu thị trường “lên”, còn bán là lỗ thực, là “bó tay chấm com”.

Nói thì đơn giản, nhưng không ít người lại lo sợ một bi kịch khác: nếu thị trường không phục hồi mà ta không cắt lỗ thì liệu mai đây cổ phiếu còn được bao nhiêu phần trăm thị giá hiện giờ?

Cứ nhìn vào VTA như một minh họa sống động: khi cổ phiếu này từ đỉnh 14.000 đồng giảm về mức 5.500-6.000 đồng đã được coi là rẻ, rẻ lắm rồi, mua vào đi; thế mà chẳng bao lâu sau nó chỉ còn phân nửa của sự rẻ đó. Hoặc “con” DVD kia, chỉ mới hơn nửa năm mà nó đã nhào xuống còn chưa đầy một phần mười giá mua…

Trời đất nào chứng giám cho sự thay đổi “tận nhân lực, tri thiên mệnh” ấy?

Những “của nợ” như BVH, MSN, VIC có cái tội lớn nhất là làm cho kỳ vọng của nhà đầu tư không bao giờ cạn kiệt. Cứ mỗi khi thị trường dần đi vào tuyệt vọng, mấy cổ phiếu này lại được một bàn tay bí mật nhấc lên vài mức giá bằng một thứ thanh khoản hết sức còm cõi.

Thế là VN-Index lại chuyển từ đỏ sang xanh, thuận tiện vô cùng. Thế là bà con, nhất là những người tham gia trò chơi này chưa đủ lâu, lại động viên nhau giữ chặt cổ phiếu “không cho cá mập đớp”.

Cơn ác mộng “trôi thoai thoải”

Thị trường “dã tràng” kiểu này đang làm tê tái những trái tim dễ rung cảm. Cắt lỗ luôn luôn là muộn. Nhưng muộn vẫn còn hơn không vì chẳng biết những ông lớn còn cho thị trường “giằng co” đến bao lâu nữa.

Với những người trót thề thốt sẽ kiên tâm ôm cổ phiếu, chỉ còn một cách đỡ day dứt lương tâm hơn là cứ thấy thị trường xuống thì mua thêm cho quân bình giá. Mâu thuẫn nội tâm bắt nguồn từ đó: nhà đầu tư vừa muốn thị trường lên để cổ súy cho cổ phiếu đang có của mình, nhưng cũng lại mong ngóng thị trường lao dốc để sẽ có thêm được chính cổ phiếu đó.

Vào những phiên giao dịch có nốt thăng giáng mạnh, mâu thuẫn nội tâm trở thành xung đột mang tính tư tưởng – một thứ xung đột triết lý không biết giữa “Hãy tham lam lam khi người khác sợ hãi” với “Hãy sợ hãi khi người khác tham lam” thì phải chọn lấy cái nào.

Chỉ sung sướng nhất là những người còn chút tiền mặt hoặc những người bị coi là “chết nhát”, từ trước đến giờ chẳng dám nhảy vào thị trường cho dù xanh hay đỏ. Tiền mặt là vua, vào thời này người ta vẫn ví như vậy mà. Mà nhiều công ty chứng khoán, nhiều bậc trưởng lão trong làng chứng khoán cũng đang gia tăng lời khuyên như thế. Vậy là càng có lý do để ôm tiền cho chắc cú. Nếu cái thị trường đầy nộ khí này mà còn tiếp diễn cơn cuồng nộ của nó cho đến cuối năm nay thì mua vào lúc này sẽ cầm chắc lỗ một nửa là ít.

Chẳng phải chỉ có nhà đầu tư trong nước mới nghĩ thế. Những người nước ngoài cũng “hoàn cảnh” không kém. Dragon Capital là một “ông lớn” thực thụ, thế mà từ đầu năm 2007 đến nay, tổng giá trị tài sản ròng của quỹ này đã bay biến đi hai phần ba, từ 2,2 tỷ đô chỉ còn 750 triệu.

Những nhà đầu tư theo trường phái “hướng ngoại” đã có lý do để phải xem lại chiến thuật của mình: từ đầu năm 2010 đến nay, khối nước ngoài đã mua ròng đến 15.000-16.000 tỷ đồng; chẳng lẽ họ cam tâm để mất hàng chục ngàn tỷ sao? Tất nhiên là họ trường vốn (lại nói đến cái lý thuyết người trường vốn là người chiến thắng cuối cùng), nhưng tháng 2 và tháng 3/2011 lượng mua và bán của họ đã khá cân bằng; vậy liệu họ có mua nữa không?

Lâu nay, lực đỡ chủ yếu của thị trường đến từ nhà đầu tư nước ngoài, nay chỉ cần họ giảm mua, ngưng mua là rất nhiều triển vọng thị trường sẽ tụt thẳng đứng.

Tiếp nối những câu hỏi hóc búa trên, ai đó lại cắc cớ nghĩ ra một giả định: nếu ngay cả tổ chức nước ngoài cũng chấp nhận lỗ nặng để “đánh” thị trường xuống, thì chúng ta – những nhà đầu tư nhỏ lẻ và tội nghiệp – sẽ ra sao đây?

Giả định này, dù chỉ tồn tại trong giấc mơ, cũng trở nên quá khủng khiếp đối với những ai đang tự an ủi rằng cùng lắm thì mình sẽ đầu tư dài hạn. Chỉ cần thị trường nửa xanh nửa đỏ nửa năm nữa thì có lẽ phải đến ba phần tư công ty chứng khoán kêu lỗ, ít nhất một phần ba trong số ba phần tư đó đóng cửa, còn đám cổ phiếu nhỏ chắc chẳng còn được lấy một phần năm so với giá trị giữa năm trước.

Một vài phân tích kỹ thuật (lại là phân tích kỹ thuật, dù chẳng có mấy người tin), ám chỉ cơn ác mộng sẽ “trôi thoai thoải”, tâm thức nhà đầu tư sẽ còn bị hành hạ khá lâu nữa. Hoặc, nếu như vài tháng tới nổi lên sóng nhà đất thì ôi thôi, chứng khoán quả đã hết thời trong năm nay.

Phiên giao dịch ngày 21/4/2011, vở kịch “Xanh vỏ đỏ lòng” vẫn được diễn một cách đầy trơ trẽn. Con thuyền cổ phiếu nhỏ chìm sâu xuống đáy đại dương. VN-Index xanh nhẹ, nhưng HNX-Index đã không còn cầm cự được nữa: âm trên 2%!

Xem ra, cái họa năm 2008 đang được “ứng dụng” một cách không thương tiếc cho thời kỳ “loạn lạc” này.(Nguồn: VEF, 22/4)

 

Comments are closed.