CPI tháng 1 có thể tăng từ 1,6-1,7%

12/01/2011 // No Comment // Categories: Tin trong nước.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2011 có thể giảm tốc so với mức tăng 1,98% của tháng 12/2010.

Cuối năm âm lịch, các doanh nghiệp sản xuất và thương mại đầu mối lên kế hoạch hốt cú chót cho chu kỳ kinh doanh sôi động nhất trong năm. Ngược lại, dòng tiền đẩy vào thị trường bị kìm nén đúng vào thời điểm nhu cầu tích trữ hàng tết, kịch bản CPI tháng 1/2011 đang hướng đến sự điều chỉnh nhẹ so với tháng trước đó.

Cho đến lúc này (11/01/2011), các mô hình Leontief hệ số cập nhật từ bảng cân đối liên ngành 2007 và SARIMA tự hồi quy tích hợp trung bình trượt có điều chỉnh yếu tố mùa vụ cho phép NDHMoney dự báo CPI tháng 1/2011 sẽ tăng ở mức khoảng 1,6%-1,7% so với tháng 12/2010 và nhiều khả năng thấp hơn so với mức tăng 1,98% của tháng trước đó.

Xét về xu hướng, việc chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 có thể tăng thấp hơn tháng 12 năm trước tuy không phải quá bất thường (các năm 1997, 2000, 2008 và 2010 đã có hiện tượng này). Tuy nhiên, ở các năm khác, khi nền kinh tế không có đột biến ở chính sách tiền tệ vào thời điểm cuối năm trước thì điều chỉnh này vẫn cho thấy sự khác biệt.

Việc các lãi suất chủ chốt đã được điều chỉnh tăng 100 điểm cơ bản vào tháng 11/2010 là nguyên nhân chính dẫn tới điều chỉnh chỉ số giá trong tháng này.

Tuy nhiên, lạm phát cơ bản (core inflation) 12 tháng, theo tính toán của NDHMoney, vẫn chưa có điều chỉnh quá lớn, ở mức khoảng 8,5%, tiếp tục khẳng định áp lực từ dòng tiền tích lũy trước đó lên giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng.

Hỗ trợ từ tăng trưởng sản xuất của công nghiệp, nông nghiệp… phần nào giúp nguồn cung hàng hóa không khan hiếm, nhưng nhu cầu tăng đột biến trong tháng này trước kỳ vọng lạm phát còn tăng cao khiến cả người bán và mua đều chấp nhận mức giá cao hơn trước đó.

Khi thời điểm Tết Tân Mão đến gần cũng là lúc giá cả nhiều loại hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng rất khó đứng yên. Ghi nhận từ thị trường, giá các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán tiếp tục dẫn đầu xu hướng tăng giá, trong khi giáo dục lại có sự điều chỉnh tăng trước thời điểm đóng học phí kỳ hai.

Sau khi Hiệp hội Lương thực ra thông báo tăng giá sàn xuất khẩu loại gạo 25% tấm từ 480 USD/tấn lên 490 USD/tấn, và giảm 20 USD/tấn, từ 540 USD/tấn còn 520 USD/tấn với gạo 5% tấm, áp dụng từ ngày 27/12/2010, giá gạo tại đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục điều chỉnh tăng ở hầu hết các chủng loại gạo.

Tăng cao nhất là các loại gạo tẻ thường, gạo nếp, khoảng 200-300 đồng/kg so với trước đó, trong khi các loại gạo ngon khác tăng thấp hơn. Các mặt hàng như mỳ, bánh phở, miến… cũng “ăn theo” tăng giá mạnh từ 2-3%.

Trong khi đó, thịt lợn, thịt gà, trứng, thủy hải sản tươi sống, dầu ăn và nhiều loại thực phẩm chế biến… cũng tăng mạnh giá bán trong kỳ tính toán CPI tháng này, một phần do cung không kịp đáp ứng mức tăng đột biến từ phía cầu. Ngược lại, các loại rau củ không tăng giá đột biến trong thời gian này, thậm chí có xu hướng giảm ở một số loại củ và rau gia vị, do nguồn cung dồi dào trở lại.

Ăn uống ngoài gia đình tiếp tục nằm trong số các nhóm tăng giá, chủ yếu do sự điều chỉnh giá quán bình dân… Về cơ bản, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống vẫn chiếm tới phân nửa mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2011.

Tuy nhiên, nhóm giáo dục có thể sẽ lại dẫn đầu mức tăng trong tháng này, khi một số địa phương còn chưa tăng vào đầu năm học mới trước đó, nay áp dụng mức tăng học phí khá cao ở bậc học mẫu giáo, phổ thông cơ sở và trung cấp.

Cũng nằm trong nhóm hàng hóa, dịch vụ có nhu cầu tăng mạnh vào dịp cuối năm âm lịch, đồ uống, thuốc lá, nước giải khát có gas, rượu, bia đang nhúc nhích tăng giá trong tháng này, đẩy chỉ số giá nhóm đồ uống, thuốc lá tăng cao.

Tương tự, các mặt hàng may mặc như vải, quần áo may sẵn, đặc biệt là các loại hàng thời trang cho mùa đông, sản phẩm giữ ấm và công may đều điều chỉnh tăng khá. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép sẽ không “lép vế” so với đồ uống thuốc lá về mức tăng.

Nhu cầu về trang trí nhà cửa đón Tết Nguyên đán cũng khiến giá cả các mặt hàng vật liệu xây dựng, dịch vụ sửa chữa nhà tăng cao. Việc tăng giá gas từ 3-6 nghìn đồng/bình 12kg vào đầu tháng này cũng thêm áp lực tăng lên chỉ số giá nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng.

Ngoài ra, nhóm thiết bị đồ dùng gia đình cũng xuất hiện sự tăng giá khá cao ở các sản phẩm bình nóng lạnh, giường tủ, đồ sành sứ…

ImageShack, share photos, pictures, free image hosting, free video hosting, image hosting, video hosting, photo image hosting site, video hosting site

Biểu đồ CPI qua các tháng năm 2007-2010. Nguồn: GSO, NDHMoney

Theo NHDMoney

Comments are closed.