Trái phiếu quốc tế: Xu thế mới

20/01/2011 // No Comment // Categories: Trái phiếu.

Cuối tháng 12.2010, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường nhằm thông qua kế hoạch phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế. Đây là loại trái phiếu có lãi suất cố định, thanh toán lãi 6 tháng một lần, thời hạn 5 năm và HAG có quyền mua lại sau 3 năm kể từ khi phát hành. Trái phiếu sẽ được niêm yết trên thị trường chứng khoán Singapore.

Dù ngày phát hành trái phiếu chưa được tiết lộ nhưng theo đề án huy động vốn quốc tế do HAG công bố thì mọi thứ hầu như đã sẵn sàng. HAG đã chọn Credit Suisse là đơn vị tổ chức quản lý chính và dựng sổ, đồng thời chọn Milbank, Tweed, Hadley & McCloy LLP (Mỹ) làm tổ chức tư vấn pháp lý quốc tế. Còn Latham & Watkins (Mỹ), DFDL Mekong sẽ đứng ra bảo lãnh và thu xếp phát hành.

Tổ chức tư vấn pháp lý trong nước sẽ do các công ty luật VILAF, YKVN đảm trách. Ernst & Young (Mỹ) sẽ là tổ chức kiểm toán. Như vậy, chỉ còn khâu chọn đại lý ủy thác, đại lý thanh toán tiền gốc của trái phiếu, đại lý niêm yết và tổ chức in ấn là chưa được cập nhật.

Liệu kế hoạch phát hành của HAG có khả thi? Câu trả lời là có. Thị trường trái phiếu quốc tế đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ kể từ sau khủng hoảng. Theo số liệu của Emerging Portfolio Fund Research (Mỹ), tính đến đầu tháng 12.2010, một số trái phiếu ở các thị trường mới nổi đã tạo nên dòng tiền ròng trị giá 34,2 tỉ USD trong khi con số này của năm 2009 chỉ là 8,3 tỉ USD.

Cũng trong năm 2010, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành đạt mức cao kỷ lục trên tất cả các khu vực. Theo Credit Suisse Debt Capital Markets, tại khu vực châu Á (trừ Nhật), tổng giá trị trái phiếu phát hành bằng USD đạt mức 66,2 tỉ USD, cao hơn nhiều so với 50,8 tỉ USD của năm 2009.

Với sự chuyển biến đó, không riêng HAG biết nắm bắt xu thế mà nhiều doanh nghiệp cũng bắt đầu quan tâm đến hình thức gọi vốn qua trái phiếu quốc tế. Để hiểu rõ hơn về hình thức huy động vốn này, ông Mạc Quang Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Thăng Long (TLS) đã có trao đổi về vấn đề này.

Kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế của HAG là trường hợp cá biệt hay là tín hiệu về một xu hướng huy động vốn mới của doanh nghiệp?

HAG không phải là trường hợp cá biệt. Năm 2009, Công ty Cổ phần Vincom cũng đã huy động thành công 100 triệu USD từ thị trường quốc tế thông qua phát hành trái phiếu chuyển đổi.

Trong năm 2010, hàng loạt tập đoàn kinh tế nhà nước như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Than – Khoáng sản cũng đã có kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế với giá trị huy động dự kiến lên tới hàng tỉ USD. Tuy nhiên, các kế hoạch này bị hoãn lại do tình hình thị trường không thuận lợi cũng như ảnh hưởng từ vụ nợ của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Mặc dù vậy, tôi cho rằng, trong tương lai sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam huy động vốn trên thị trường quốc tế.

Doanh nghiệp có thể xem phát hành trái phiếu quốc tế như một kênh gọi vốn hiệu quả không?

Thị trường trái phiếu quốc tế là kênh gọi vốn tốt trong trường hợp doanh nghiệp cần huy động một lượng vốn lớn với kỳ hạn dài mà thị trường vốn trong nước nhiều khi không đáp ứng được. Tuy nhiên, những đòi hỏi của các nhà đầu tư quốc tế rất cao, trong khi chi phí huy động vốn lại không nhỏ. Vì thế, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ trước khi quyết định tìm đến kênh này.

Trong trường hợp thực hiện huy động vốn bằng phát hành trái phiếu quốc tế, doanh nghiệp cần chuẩn bị những gì?

Doanh nghiệp có thể lựa chọn chào bán riêng lẻ hoặc công khai trái phiếu trên thị trường quốc tế. Các chuẩn mực và yêu cầu đối với chào bán công khai sẽ khó khăn hơn so với chào bán riêng lẻ. Song về cơ bản, các doanh nghiệp phải đáp ứng những yêu cầu về minh bạch thông tin, kiểm toán, định mức tín nhiệm cũng như phải tuân thủ các chuẩn mực về quản trị doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng nên nhờ đến dịch vụ tư vấn của các công ty chứng khoán hoặc ngân hàng đầu tư trong quá trình xin phép thủ tục và chuẩn bị các tài liệu giới thiệu cơ hội đầu tư, bản cáo bạch.

Làm thế nào để đảm bảo đợt phát hành trái phiếu quốc tế thành công?

Một đợt phát hành trái phiếu thành công phụ thuộc vào các yếu tố khách quan (như điều kiện thị trường tại thời điểm phát hành) cũng như các điều kiện chủ quan như tính hấp dẫn của trái phiếu, sự chuẩn bị của doanh nghiệp trong việc đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư quốc tế. Song về cơ bản, các doanh nghiệp cần chuẩn bị tinh thần làm việc chuyên nghiệp theo phong cách quốc tế, hướng tới sự minh bạch thông tin.

Sự trợ giúp của một ngân hàng đầu tư quốc tế có kinh nghiệm là điều không thể thiếu. Các ngân hàng này có mạng lưới khách hàng toàn cầu và có thể giúp doanh nghiệp thực hiện roadshow quảng bá cho đợt phát hành và tiến hành dựng sổ đăng ký nhu cầu của các nhà đầu tư. Tính thanh khoản của trái phiếu sau khi phát hành cũng là một nhân tố mà các nhà đầu tư quan tâm, theo đó, nếu trái phiếu được niêm yết hoặc được một ngân hàng đầu tư có uy tín tạo lập thị trường thì sẽ hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư.

Những thuận lợi và khó khăn cũng như rủi ro mà doanh nghiệp có thể gặp phải khi phát hành trái phiếu quốc tế?

Như đã nói ở trên, phát hành trái phiếu quốc tế có thể giúp doanh nghiệp huy động được lượng vốn lớn với kỳ hạn dài để tài trợ cho các nhu cầu kinh doanh của mình. Ngoài ra, thông qua đó, doanh nghiệp có thể quảng bá thương hiệu. ra thế giới. Bản thân doanh nghiệp cũng trưởng thành và trở nên hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nhờ việc tuân thủ các chuẩn mực quốc tế. Có thể nói, một doanh nghiệp được các nhà đầu tư quốc tế quan tâm sẽ dễ dàng thu hút sự quan tâm của cộng đồng đầu tư.

Tuy nhiên, trở ngại cho các doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu quốc tế là chi phí tư vấn, minh bạch hóa thông tin và đáp ứng các yêu cầu thủ tục là không nhỏ. Ngoài ra, doanh nghiệp còn chịu rủi ro ngoại hối do vay vốn bằng ngoại tệ trong khi tiền đồng có xu hướng giảm giá. Nếu không có nguồn thu trong tương lai bằng ngoại tệ hoặc thực hiện các công cụ bảo hiểm, doanh nghiệp có thể sẽ bị thua lỗ do biến động tỉ giá.

Trước khi về làm ở Công ty Chứng khoán Thăng Long (TLS), ông Mạc Quang Huy đã có 9 năm kinh nghiệm làm việc tại KPMG Việt Nam và Anh Quốc (1996-2005) với tư cách là Giám đốc Khối Tư vấn Tài chính của KPMG Việt Nam. Ông cũng có 5 năm làm việc ở vị trí cấp cao tại các ngân hàng đầu tư lớn như Lehman Brothers (Mỹ), Nomura (Nhật).

Theo nhipcaudautu

Comments are closed.