PVX: Khi nào hết làm “tội đồ” của TTCK?

26/07/2012 // No Comment // Categories: Phân tích doanh nghiệp.

Báo cáo lỗ quý 2/2012 với gần 300 tỷ đồng của công ty mẹ PVX được tung ra ở đúng vào thời điểm nhạy cảm này như một cái cớ để thị trường đi xuống nhanh hơn. Các trang mạng, diễn đàn đang tốn khá nhiều giấy bút với con số lỗ của PVX.

Những ngày qua, Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (HNX: PVX) được giới đầu tư xem như là “tội đồ” gây hiệu ứng giảm mạnh của thị trường và đâu đó có những lo sợ về làn sóng báo cáo lỗ “khủng” tiếp tục được tung ra.

Tuy nhiên nhà đầu tư hãy dành chút thời gian để nhìn vào báo cáo tài chính của PVX.

Trong quý 2/2012, doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính, mà chủ yếu là xây lắp của PVX đạt được khoảng 321 tỷ đồng, tuy nhiên chi phí giá vốn khoảng 324 tỷ đồng, khiến cho hoạt động kinh doanh chính này không đóng góp gì vào kết quả kinh doanh quý 2 của công ty. Nhưng nó cũng không gây thiệt hại đến công ty nhất là trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay đối với lĩnh vực xây lắp.

Thể hiện trên báo cáo tài chính là hai khoản chi phí tài chính 194.6 tỷ đồng và chi phí doanh nghiệp 125 tỷ đồng đã tạo nên lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh là 298 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là khoản chi phí tài chính là nguyên nhân gây lỗ lớn, nhưng thực tế chi phí lãi vay, khoản chi đáng sợ nhất ở thời điểm hiện nay lại chỉ có 66 tỷ đồng, là một con số không hề lớn với một công ty có quy mô tài sản lên tới 8,000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 4,000 tỷ dồng và lượng tiền mặt 1,120 tỷ đồng.

Khoản mục Dự phòng giảm giá đầu tư dài hạn 128 tỷ đồng trong quý 2 là “tội đồ” chính làm nên lỗ khủng cho PVX. Tuy là tội đồ nhưng nó không có lỗi khi mang tên dự phòng và nó chưa hề mất đi. Nhìn kỹ hơn về danh mục đầu tư dài hạn của PVX bao gồm 13 công ty con, hầu hết trong lĩnh vực tương tự PVX với tổng trị giá 2,350 tỷ đồng, 12 công ty liên kết với tổng trị giá 671 tỷ đồng và 17 khoản đầu tư dài hạn khác là 532 tỷ đồng. Với danh mục đầu tư dài hạn, hầu hết là những công ty con cháu trong ngành dầu khí và có lĩnh vực hoạt động tương tự công ty mẹ. Có lẽ tội đồ tiếp theo của danh mục đầu tư dài hạn phải trích lập dự phòng là các công ty đã niêm yết như PHH, ICG,PVV, PTL, v.v, vì chỉ có công ty đã niêm yết mới có cơ sở chính đáng để trích lập dự phòng.

Tuy nhiên, nếu nhìn dưới góc độ khác, các danh mục này không phải là danh mục đầu tư chứng khoán niêm yết, mua vào bán ra để kiếm lời khi giá chứng khoán tăng lên. Mà với mô hình của một Tổng công ty xây lắp lớn như PVX thì bắt buộc phải tồn tại những công ty con, công ty liên kết có lĩnh vực kinh doanh tương tự, nhằm thuận tiện cho việc triển khai thi công các dự án.

Theo đánh giá của người viết về cơ bản không có danh mục nào quá xấu trong số danh mục dài hạn của PVX, mà nguyên chính là do thị trường xấu là “tôi đồ” để doanh nghiệp phải trích lập dự phòng.

Ngoài ra, báo cáo tài chính PVX còn có những điểm sáng như người mua trả tiền trước 1,750 tỷ đồng, phải thu khác 1,425 tỷ đồng, trả trước cho người bán 1,240 tỷ đồng đây là những khoản sẽ tạo ra dòng tiền cho tương lai. Do thuyết minh báo cáo tài chính không chi tiết mà người viết không có đánh giá sâu hơn.

Một câu hỏi được đặt ra đối với báo cáo tài chính quý 2/2012 của PVX, như lý do mà công ty dồn toàn bộ việc trích lập dự phòng vào quý 2, ngay tại thời điểm thị trường đang xấu đi? Trên thực tế tại thời điểm 30/6/2012, theo quan sát của người viết thì các danh mục niêm yết trong báo cáo có thị giá không thấp hơn thời điểm 31/12/2011. Vì vậy, công bằng mà nói thì số trích lập cho danh mục này giữ nguyên bằng tại thời điểm 31/12/2011 vẫn được xem là phù hợp?

Thêm vào đó, PVX đã có những giải trình khoản lỗ 289 tỷ đồng dường như không muốn bảo vệ cả chính mình như sau: “Do một số dự án đang thi công chưa đến mốc thanh toán, một số dự án chậm so với tiến độ, đồng thời một số dự án đang tạm hoãn tiến độ theo Nghị quyết 11 của Chính phủ dẫn đến doanh thu và lợi nhuận đều giảm trong kỳ”.

Theo Vietstock

Comments are closed.