Nợ “chất cao như núi”, Thái Hòa trước nguy cơ bị hủy niêm yết?

20/08/2012 // No Comment // Categories: Phân tích doanh nghiệp.

Ngày 16/8, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Hòa (mã THV-HNX) công bố báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2012 với khoản lỗ tăng mạnh so với chưa soát xét, cùng với hàng loạt những con số “xấu” khủng khiếp, khiến nhà đầu tư vô cùng thất vọng và lo lắng về nguy cơ cổ phiếu này sẽ bị hủy niêm yết.

Theo yêu cầu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, THV đã phải giải trình về việc sụt giảm đột ngột kết qủa kinh doanh quý 2/2012. Tiếp đến là báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2012 của công ty mẹ vừa công bố với những kết quả còn tệ hại hơn.

Những con số “kinh khủng”

Theo giải trình của THV, lợi nhuận sau thuế quý 2/2012 âm 31,982 tỷ đồng, giảm 4.262,87% so với cùng kỳ do các nguyên nhân: doanh thu quý2/2012 giảm mạnh, chỉ bằng 0,14% so với cùng kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt, từ 1,884 tỷ đồng lên 34,536 tỷ đồng, tăng tới 1.833%.

Theo báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2012 của công ty mẹ THV, mức lỗ ròng từ 84,17 tỷ đồng (báo cáo tài chính chưa soát xét) tăng lên 129,436 tỷ đồng, lỗ lũy kế tính đến 30/6/2012 lên tới 320 tỷ đồng (riêng năm 2011 lỗ ròng 210,3 tỷ đồng và lỗ 4 quý liên tiếp từ quý 3/2011 đến quý 2/2012).

Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của THV chỉ đạt 7,193 tỷ đồng, bằng 1% so với 6 tháng đầu năm 2011 (715,68 tỷ đồng). Trong khi giá vốn hàng bán cao gấp 8,5 lần doanh thu thuần, chiếm 61 tỷ đồng, đặc biệt, dự phòng giảm giá hàng tồn kho chiếm 54 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Ban giám đốc, tổng giá trị hàng tồn kho là 573,33 tỷ đồng, trong đó, thành phẩm là 282,58 tỷ đồng và hàng hóa kém, mất phẩm chất và chậm luân chuyển lên tới 108,32 tỷ đồng. Ban giám đốc đánh giá giá trị thuần có thể thực hiện được số hàng hóa tồn kho này là 50%.

Tính đến 30/6/2012, tổng các khoản đầu tư tài chính dài hạn lên tới 443 tỷ đồng, trong đó, đầu tư vào các công ty con 599,693 tỷ đồng, tăng 58 tỷ đồng so với đầu năm và vượt qua cả vốn điều lệ (550 tỷ đồng). Trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn 135 tỷ đồng, do đó, chi phí tài chính 6 tháng đầu năm lên tới 71 tỷ đồng. Tiền mặt đến hết tháng 6 của THV chỉ còn 693 triệu đồng, các khoản phải thu trên 231 tỷ đồng, trong đó thu khách hàng chiếm tỷ trọng lớn với 114 tỷ đồng.

Đặc biệt, cuối tháng 6/2012, nợ của THV “chất cao như núi” (1.014 tỷ nợ ngắn hạn và 14,3 tỷ đồng nợ dài hạn) trong khi vốn chủ sở hữu chỉ còn 252 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận chưa phân phối âm tới 275 tỷ đồng.

Lỗ lũy kế vượt xa vốn chủ sở hữu

Tại báo cáo tài chính soát xét, Công ty Kiểm toán và tư vấn Thăng Long (T.D.K) đã lưu ý về khả năng hoạt động của THV. Theo đơn vị này, tại thời điểm 30/6/2012, nợ phải trả ngắn hạn của THV (1.015 tỷ đồng) đã vượt quá 263,2 tỷ đồng so với tài sản ngắn hạn (752 tỷ đồng), trong đó, hầu hết các khoản nợ ngắn hạn các ngân hàng đã quá hạn (ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch Hội đồng Quản trị THV công bố chỉ có 70% tổng số nợ là nợ quá hạn, tương đương khoảng hơn 800 tỷ đồng).

Đơn vị kiểm toán cho rằng, khả năng tiếp tục hoạt động của THV phụ thuộc vào 3 yếu tố: kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ tiếp theo; công ty có nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức tín dụng về kế hoạch tái cơ cấu nợ (hiện nay, Thái Hòa và các công ty con đang nợ 5 ngân hàng là Maritime Bank, Agribank, Vietcombank, Habubank và ADB với tổng số tiền lên tới hơn 1.200 tỷ đồng), kế hoạch bán bớt các tài sản, dự án, công ty con hoạt động không hiệu quả và sự cam kết sẽ tiếp tục mua cổ phần khi phát hành riêng lẻ của các cổ đông chính bất cứ thời điểm cần thiết nào để công ty đủ khả năng duy trì hoạt động.

Hiện tại, THV đối diện với rủi ro ngày càng lớn, THV sẽ có nguy cơ bị bắt buộc phải rời sàn, sau khi kiểm toán nghi ngờ vào khả năng tiếp tục hoạt động của đơn vị trong báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm 2012 và vốn chủ sở hữu có thể bị âm trong quý 3.

Đặc biệt, trong tháng 9 tới, khi quy định mới về nợ xấu được áp dụng thì 100% nợ ngân hàng của THV sẽ được quy về nợ xấu. Lúc đó, các ngân hàng sẽ buộc phải xiết nợ và khui kho hàng của THV để bán thu hồi nợ (cuối năm 2011 và tại thời điểm 30/6/2012, kiểm toán không tham dự kiểm kê nên kiểm toán cũng không xác nhận tồn kho trên 566 tỷ đồng (cuối năm 2011) và 573 tỷ đồng (tại ngày 30/6/2012) hàng hóa của THV).

Mối nghi ngờ rất lớn là kho hàng cà phê của THV thực ra là không có hoặc mất phẩm chất không bán được, bởi vì trong 6 tháng đầu năm 2012, THV đạt doanh thu bán hàng chỉ có hơn 7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lên tới 716 tỷ đồng và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (là các hoạt động tạo ra doanh thu chủ yếu của doanh nghiệp và các hoạt động khác không phải là các hoạt động đầu tư hay hoạt động tài chính) 6 tháng đầu năm chỉ có 6,82 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là 145,32 tỷ đồng.

Doanh thu bán hàng hầu như không có, dùng tài sản ngắn hạn để đầu tư rất lớn và dàn trải vào các dự án (từ Sơn La đến miền Trung, An Giang, sang cả Lào) và đầu tư vào 11 công ty con, không ít dự án, tài sản này kém hiệu quả, rất khó chuyển nhượng là những nguyên nhân chính có thể sẽ đưa Thái Hòa đến việc bị hủy niêm yết.

Theo Vneconomy

Comments are closed.