Tái cấu trúc CTCK nhìn từ “điển hình” Sacombank-SBS

19/10/2012 // No Comment // Categories: Doanh nghiệp.

Những chuyển biến tại SBS thể hiện qua BCTC quý 3/2012 có thể sẽ gợi ý nhiều kinh nghiệm cho hoạt động tái cấu trúc mà ngành chứng khoán đang phải đối mặt.

Sau khi cơ cấu sở hữu tại Sacombank (HOSE: STB) thay đổi, việc tái cấu trúc CTCP Chứng khoán NH Sài Gòn Thương Tín – Sacombank-SBS (HOSE: SBS) đã được ban lãnh đạo mới đặt lên ưu tiên hàng đầu.

Bên cạnh việc giúp cải thiện tính minh bạch trên thị trường, bảo vệ lợi ích cổ đông/nhà đầu tư, những chuyển biến tại SBS thể hiện qua BCTC quý 3/2012 có thể sẽ gợi ý nhiều kinh nghiệm cho hoạt động tái cấu trúc mà ngành chứng khoán đang phải đối mặt.

Gánh nặng “cục nợ” SBS

Các vụ việc đình đám tại SBS có lẽ là “cục nợ” lớn nhất mà ban lãnh đạo mới tại STB cần phải xử lý. Bất chấp tỷ lệ sở hữu, trong trường hợp xấu, việc SBS sử dụng thương hiệu và các mối quan hệ tài chính khác đã (và sẽ) ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh của STB.

Theo báo cáo soát xét đặc biệt của Ernst & Young, tổng lỗ lũy kế của SBS đến thời điểm ngày 30/06/2012 là 1,772 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với mức lỗ 764 tỷ đồng hồi cuối năm 2011. Khoản lỗ khổng lồ này khiến vốn chủ sở SBS hữu âm đến 256 tỷ đồng, một con số khiến không ít nhà đầu tư ngỡ ngàng và đẩy CTCK này lâm vào diện bị kiểm soát đặc biệt 6 tháng.

Khoản lỗ ở trên phát sinh chủ yếu do phải trích lập dự phòng bổ sung cho danh mục đầu tư và khoản phải thu trong các năm 2010 và 2011, tức liên quan đến hoạt động đầu tư chứng khoán và cho vay đầu tư chứng khoán những năm trước đây.

Nguyên nhân gây thua lỗ được xác định là do sai lầm trong nhận định xu hướng của TTCK, cơ chế giám sát yếu kém và một số cá nhân có dấu hiệu vi phạm quy định về giao dịch, báo cáo. Tất cả những điều này đều liên quan đến ban lãnh đạo cũ và đang trong quá trình được “dọn dẹp”; trong khi cơ quan an ninh cũng đã vào cuộc điều tra các sai phạm cá nhân.

Với nhiều sự việc đình đám, đặc biệt là giấu lỗ, được “ém nhẹm” trong suốt nhiều năm qua tại SBS, nhiều cổ đông nhỏ lẻ đã bị thiệt hại nặng nề và cảm thấy bị sốc khi báo cáo kiểm toán đặc biệt được công bố.

Cơ hội minh bạch hóa những vụ việc đình đám tại SBS

Sự thay đổi chủ sở hữu tại STB đã tạo ra cơ hội để cải thiện tính minh bạch trên thị trường tài chính và bảo vệ lợi ích nhà đầu tư; vì rõ ràng nếu không có sự thay đổi này thì không biết bao giờ các vụ việc tại SBS mới được đưa ra ánh sáng.

Tuy vậy, STB sẽ phải chấp nhận chuyển đổi 800 tỷ trái phiếu thành vốn cổ phần theo tỷ lệ 1:1 để vốn chủ sở hữu của SBS đủ điều kiện tiếp tục hoạt động và phục vụ chiến lược tái cấu trúc tại CTCK này.

Theo thuyết minh báo cáo soát xét, đây là số trái phiếu chuyển đổi phát hành cho CTCP Dịch vụ Giá trị mới vào tháng 11/2011 – trước khi nhóm cổ đông mới gia nhập, nhưng sau đó chuyển nhượng sang cho STB trong tháng 03/2012, do bên mua trái phiếu ban đầu không thể thanh toán tiền mua trái phiếu.

Bức tranh sáng dần sau tái cấu trúc SBS

BCTC riêng lẻ quý 3/2012 của SBS đã bất ngờ ghi nhận mức lợi nhuận gần 9.1 tỷ đồng sau thời gian dài phát sinh những khoản lỗ khổng lồ.

BCTC đã cho thấy hàng loạt chuyển biến tích cực, là minh chứng cho việc tái cấu trúc hoạt động của SBS đã bước đầu có những thành công nhất định.

(1) Chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý 3 chỉ còn 13 tỷ đồng, so với con số khổng lồ 283 tỷ đồng được hạch toán trong 6 tháng đầu năm 2012. Khi mới nhậm chức, tân Tổng Giám đốc đã từng gửi “tâm thư” về việc cắt giảm chi phí nhân sự, cắt giảm chi phí hoạt động trong bối cảnh SBS cần duy trì sự tồn tại.

(2) Chi phí hoạt động kinh doanh cũng sụt giảm mạnh mẽ khi chỉ còn 12 tỷ đồng trong quý 3, so với mức 276 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2012.

Việc trích lập dự phòng sát với thực tế sau khi có đợt soát xét đặc biệt của kiểm toán hồi tháng 8 đã giúp SBS không phải chịu thêm thua lỗ lớn hay trích lập thêm dự phòng cho các khoản đầu tư tài chính, phải thu khác (dịch vụ hợp tác đầu tư, cho vay đầu tư…).

Trong quý 3/2012, SBS cũng đã mạnh tay “dọn dẹp” các khoản đầu tư ngắn hạn của người ủy thác (giảm 118 tỷ đồng), thu hồi các khoản phải thu khác (giảm 214 tỷ đồng), cùng với các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn.

Đây là những phần “nặng” nhất, nhưng với các bước xử lý này, rất có thể SBS sẽ tiếp tục có lợi nhuận trong quý 4/2012.

(3) Sau khi nhận được khoản tiền từ phát hành trái phiếu chuyển đổi và thanh lý các khoản đầu tư tài chính, việc tái cơ cấu đòn bẩy tài chính đã được SBS thực hiện đồng loạt, hoàn trả nợ gốc đến 1,056 tỷ đồng với phần lớn được thực hiện trong quý 3.

Mặc dù vẫn còn khoản lỗ lũy kế và vốn chủ sở hữu bị âm, nhưng những gì diễn ra tại SBS có thể gợi ý nhiều kinh nghiệm cho hoạt động tái cấu trúc mà ngành chứng khoán đang phải đối mặt.

Nên làm gì để duy trì kết quả tích cực từ “công cuộc tái cấu trúc”?

Việc xử lý “cục nợ” SBS có thể coi là thành công bước đầu của ban lãnh đạo tại STB sau khi cơ cấu chủ sở hữu có thay đổi lớn. Tuy vậy, ban lãnh đạo mới của STB rõ ràng sẽ cần tiếp tục phát huy những điểm tích cực vốn có để duy trì lợi thế cạnh tranh và tối đa hóa lợi ích của cổ đông.

Thứ nhất là những giá trị văn hóa đã làm nên thương hiệu STB, vì điều này sẽ giúp việc huy động vốn, tiếp cận khách hàng, hoạt động đầu tư, hợp tác… trở nên thuận lợi hơn. Không dễ để xây dựng một thương hiệu lớn trong ngành ngân hàng, nên đây có lẽ là ưu tiên hàng đầu.

Tiếp đến là hệ thống mạng lưới phân phối. Sẽ mất nhiều thời gian và nguồn lực để có thể hình thành mạng lưới giao dịch rộng khắp – là vấn đề cốt lõi của ngành ngân hàng Việt Nam hiện nay. Đây cũng là cơ hội để hình thành các liên kết theo chiều ngang hay chiều dọc. Tuy nhiên, nếu chất lượng quản trị yếu kém thì mạng lưới hoạt động rộng có thể sẽ trở thành một gánh nặng cho ban lãnh đạo mới.

Bên cạnh đó là yếu tố nhân lực và công nghệ. Đây là yếu tố quan trọng bậc nhất trong quản trị ngân hàng, phải mất nhiều thời gian và công sức để phát triển. Việc tận dụng nguồn nhân lực hiện có và xây dựng đội ngũ kế thừa là một điều kiện cần thiết để duy trì lợi thế cạnh tranh.

Cuối cùng, cần duy trì và tăng cường tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh tương tự như từng làm đối với vụ việc tại SBS. Điều này sẽ giúp đáp ứng được kỳ vọng, nhu cầu được bảo vệ của cổ đông, nhà đầu tư, và góp phần cải thiện tính minh bạch chung trên thị trường tài chính.

Duy Nam (Vietstock)

FFN

Comments are closed.