KLS có lo bị thâu tóm?

08/01/2013 // No Comment // Categories: Doanh nghiệp.

Công ty Chứng khoán Kim Long (KLS) cho biết sẽ mua 10 triệu cổ phiếu công ty (gần 5% cổ phần) làm cổ phiếu quỹ. Thời gian mua từ ngày 9.1-7.2.2013, giá mua tối đa bằng mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu). Theo KLS, việc này là nhằm bình ổn giá thị trường. Có vẻ như Công ty đã phần nào đạt được mục đích. Bởi lẽ, từ khi công bố quyết định này ngày 18.12.2012 đến nay, giá cổ phiếu KLS đã tăng 17,5% lên 9.400 đồng/cổ phiếu (4.1.2013).

Sau thông tin KLS lãi lớn trong quý I/2012 (đạt 61,5 tỉ đồng), giá cổ phiếu đã tăng mạnh có khi lên đến gần 14.000 đồng/cổ phiếu trong tháng 4.2012. Nhưng cũng từ đó, giá đã đi theo chiều hướng giảm theo mức lợi nhuận mà KLS công bố. Quý II/2012, lợi nhuận KLS chỉ bằng 1/3 quý I và lỗ hơn 90 tỉ đồng trong quý III. Nguyên nhân chính là mảng tự doanh lỗ lớn. Đà giảm này chỉ dừng lại khi KLS công bố quyết định mua cổ phiếu quỹ.

Đã có ý kiến cho rằng KLS cũng lo bị thâu tóm. Nhưng xét kỹ, khả năng này bây giờ không cao. Nhìn lại, KLS có một số lợi thế đáng thèm muốn, nhất là thương hiệu được giới đầu tư đánh giá cao. KLS đã có thời luôn nằm trong top 10 thị phần môi giới trên sàn HNX. Công ty cũng từng đứng đầu thị phần môi giới trái phiếu, trước khi nhường ngôi vị này lại cho Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương – VCBS.

Mặt khác, KLS có vốn chủ sở hữu lên đến gần 2.500 tỉ đồng và tiền mặt đến cuối tháng 9.2012 hơn 1.400 tỉ đồng. Tuy nhiên, đó chưa phải là sự hấp dẫn đáng để thâu tóm. Nguyên nhân là các công ty chứng khoán đều đang trong giai đoạn khó khăn và mua một công ty như KLS sẽ rất tốn kém.

“Và quan trọng nhất là có khoảng 50% cổ phần thuộc sở hữu của nhóm cổ đông lớn gắn bó với KLS đã lâu. Nhà đầu tư bên ngoài nếu muốn cũng khó thâu tóm bằng cách mua cổ phiếu trên sàn”, một chuyên gia chứng khoán am hiểu tình hình KLS, nhận xét.

Theo vị này, động thái mua cổ phiếu quỹ của KLS có thể vì lý do khác. Trong Đại hội Cổ đông năm rồi, KLS từng cho biết muốn chuyển thành công ty đầu tư nhưng đã bị cổ đông bác bỏ.

Điều này gây khó khăn cho KLS khi chỉ có thể đầu tư thông qua mảng tự doanh và bị hạn chế tỉ lệ sở hữu cổ phần ở mỗi công ty. Điển hình như quý III/2012, Công ty đã lỗ lớn ở mảng này. Nay thay vì đầu tư vào các cổ phiếu khác, KLS có thể coi như đang đầu tư cổ phiếu chính mình.

Vị chuyên gia trên cho rằng, việc này có 2 cái lợi. Đó là vừa cải thiện được giá cổ phiếu, vừa thu được một khoản lợi nhuận (khoản lợi nhuận này được ghi nhận bổ sung vào mục thặng dư vốn chứ không phải lợi nhuận công ty nên không cần đóng thuế thu nhập).

Theo Nhịp cầu đầu tư

 

Comments are closed.