Thu hồi nợ xấu: giật mình từ trường hợp Hanic

18/01/2013 // No Comment // Categories: Kiến thức đầu tư.

Câu chuyện thu hồi nợ xấu của CTCP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (Hanic – mã SHN) đang khiến nhiều NĐT cảm thấy e ngại về những thành tích xử lý nợ xấu của các ngân hàng.

Từ câu chuyện Hanic

Ngày 15/1/2013, website của Hanic có đăng tải thông tin khiến cổ đông của Công ty mừng vui khôn tả: CTCP Tam Đảo Mới đồng ý chuyển 51% cổ phần của CTCP Bê tông – thép Ninh Bình sang cho Hanic, thay vào đó, Hanic sẽ trừ một phần nợ cho ông Nguyễn Anh Quân với số tiền là 45 tỷ đồng.

Điều này có nghĩa, Hanic đã thu hồi được một phần nợ. Tài sản trị giá 45 tỷ đồng là con số không nhỏ trong bối cảnh Hanic đang bên bờ vực phá sản. Có lẽ vì thế mà cổ phiếu SHN trong phiên 15/1 có lượng dư mua 7,65 triệu đơn vị với mức giá trần.

 

Nhưng Bê tông – thép Ninh Bình có giá trị tài sản như thế nào, mà được định giá 90 tỷ đồng (do 51% cổ phần Công ty trị giá 45 tỷ đồng)? Theo website của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, mục công ty đại chúng, công ty này có vốn điều lệ 11,56 tỷ đồng, địa chỉ website: www.betongthepnb.com.vn. Truy cập trang web thì thấy, nội dung… trống trơn.

Tìm hiểu trên mạng về Bê tông – thép Ninh Bình thu lượm được rất ít thông tin: sự lùm xùm, thua lỗ và nguy cơ phá sản trong năm 2012; các năm trước đó, giai đoạn 2006 – 2007, Công ty có lãi hơn 2 tỷ đồng/năm.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc định giá một DN bị cho là đứng trước nguy cơ phá sản với giá trị lên tới 90 tỷ đồng là vô lý. Có thể Bê tông -Thép Ninh Bình hiện đã hết khó khăn và có thể trỗi dậy sau khi về Hanic, nhưng có lẽ Hanic đang nỗ lực làm “đẹp” sổ sách nhiều hơn là thu về thực sự số tiền trên.

Báo cáo tài chính quý II/2012 của Hanic có viết: “Ban giám đốc tin tưởng Công ty có khả năng thu hồi công nợ này” (công nợ từ ông Nguyễn Anh Quân – PV). Theo Hanic, tại thời điểm đó, Công ty đã đề nghị Công an Thành phố Hà Nội phong tỏa một số tài sản mà ông Quân sở hữu là: biệt thự loại A1, diện tích 400 m2 tại ô số 15 Khu đô thị chùa Hà Tiên, Vĩnh Phúc; biệt thự số 91 Cao Thắng, phường 3, quận 3, TP. HCM, diện tích 411 m2; biệt thự tại 42/12 đường Đặng Thai Mai, Tây Hồ, Hà Nội và 51% cổ phần tại CTCP Bê tông – Thép Ninh Bình.

Như vậy, với động thái đã thu hồi nợ nêu trên, nhiều khả năng Hanic sẽ tiếp quản các tài sản còn lại như đã liệt kê trong thời gian tới. Tuy nhiên, 3 câu hỏi được đặt ra là: 1) các tài sản trên sẽ được định giá như thế nào nếu chuyển về Hanic; 2) việc nhận tài sản (nếu có) liệu có gặp trục trặc về mặt thủ tục, giấy tờ, nhất là khi ông Quân vẫn vắng mặt như hiện nay; 3) liệu Hanic có thể phục hồi hoạt động kinh doanh, hay sẽ phá sản trước khi thu hồi được công nợ?

Đến nỗi lo xử lý nợ xấu các ngân hàng

Ngân hàng TMCP A có 2 khoản cho vay đối với 2 DN ngành vận tải tàu biển (tạm gọi là X và Y), với mỗi khoản xấp xỉ 500 tỷ đồng. Gần 3 năm nay, doanh thu cho thuê vận tải tàu của DN X chỉ đủ để trả tiền xăng dầu và lương công nhân. Tài sản duy nhất của DN này là mấy con tàu đã được cầm cố cho Ngân hàng A, giá trị thị trường hiện tại chưa bằng 30% định giá thế chấp. Để tránh ghi nhận nợ xấu, Ngân hàng A cho phép DN chỉ phải trả khoảng 20% số lãi vay hàng tháng, phần còn lại cho nợ, không tính lãi phát sinh. Tình trạng kinh doanh của DN bi bét, có thể bị phá sản, nhưng khi Công ty Mua bán nợ đàm phán mua nợ để giải cứu DN, thì Ngân hàng A không chấp nhận đây là nợ xấu và đưa ra phương án “nuôi” DN chờ ngày ngành vận tải biển khởi sắc trở lại.

DN Y bi đát hơn khi không có khách thuê tàu. Cuối cùng, Ngân hàng A lựa chọn giải pháp xử lý nợ xấu giống như cách mà nhiều ngân hàng khác lựa chọn: tịch thu tài sản cầm cố. Thực tế cho thấy, tài sản cầm cố là những con tàu có giá giảm mạnh trong 5 năm trở lại đây, nên nếu bán đi, Ngân hàng A sẽ phải ghi nhận một khoản lỗ rất lớn. Vì thế, Ngân hàng A đã “sáng tạo” cách xử lý nợ xấu để không phải ghi nhận khoản lỗ, đó là giữ toàn bộ số tàu tịch thu được để tự mình khai thác. Trong bối cảnh giá cước vận tải quá thấp như hiện nay, liệu ngân hàng, một “tay ngang” của nghề này có thể kinh doanh hiệu quả hơn?

Không riêng gì Ngân hàng A, một số ngân hàng khác cũng có cách xử lý nợ xấu đáng… giật mình. Đó là chuyển nợ xấu thành vốn góp cổ phần. Với những DN có cơ sở làm ăn tốt, nhưng thua lỗ do mất cân bằng cơ cấu tài chính, thì đây có thể là hướng ra tốt cho cả DN và ngân hàng. Tuy nhiên, nếu áp dụng cách này ở những DN yếu về tài chính và không có thế mạnh cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh, thì việc xử lý nợ xấu kiểu này được nhận định sẽ khiến cho ngân hàng “ôm rơm rặm bụng”.

Theo DTCK

Comments are closed.