PVFC: Hợp nhất sẽ bị hủy niêm yết

28/01/2013 // No Comment // Categories: Doanh nghiệp.

Với quy định pháp lý hiện nay, cổ phiếu của PVFC sau khi hợp nhất sẽ gần như không có cơ hội được niêm yết trở lại ngay năm 2013.

Vấn đề pháp lý

Theo thông tư 04/2010/TT-NHNN ngày 11/02/2010 của Ngân hàng Nhà nước thì việc hợp nhất hai tổ chức tín dụng sẽ phải trải qua 4 bước về thủ tục với cơ quan quản lý. Bao gồm: Ngân hàng Nhà nước chấp nhận nguyên tắc hợp nhất; Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chính thức việc hợp nhất; các tổ chức tín dụng bị hợp nhất tiến hành rút giấy phép; Cấp giấy phép hoạt động cho ngân hàng hợp nhất.

Nếu đề án tái cấu trúc PVFC được chấp thuận, trong đó PVFC được hợp nhất với Westernbank thì việc PVFC bị hủy niêm yết sẽ xảy ra. Tuy nhiên, hợp nhất hai tổ chức tín dụng đồng nghĩa với tư cách pháp nhân của của tổ chức phát hành cổ phiếu PVF, tức PVFC sẽ không tồn tại nữa thay vào đó là tư cách pháp nhân hoàn toàn mới.

Khi nào niêm yết trở lại?

Khoản 1, điểu 55, Nghị Định 58/2012/NĐ – CP quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng Khoán và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Chứng Khoán có hiệu lực từ ngày 15/09/2012 quy định, Bộ Tài Chính hướng dẫn niêm yết chứng khoán của công ty cổ phần hình thành sau hợp nhất, sát nhập.

Trong khi đó, Dự thảo Thông tư Hướng dẫn chi tiết một số điều của nghị định 58 lại quy định: Tổ chức hình thành sau hợp nhất giữa một tổ chức đã niêm yết phải có ROE năm gần nhất tối thiểu là 5%, đồng thời 2 năm gần nhất phải hoạt động có lãi.

Đến thời điểm này, tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu của PVFC chỉ đạt 0,83%. Thông tin trên về kết quả kinh doanh của Westernbank chưa có, nhưng để đạt được chỉ tiêu không dưới 5% của ngân hàng mới, tương đương mức lợi nhuận trên 450 tỷ đồng, Westernbank phải lãi tới hơn 400 tỷ đồng năm 2012, tương đương ROE xấp xỉ 13%.

Trong khi đó, một nguồn tin của báo Đầu Tư Chứng Khoán cho hay, đến hết tháng 11/2012, ROE của Westernbank chỉ đạt xấp xỉ 0,5%.

Xét về mặt chủ quan, chưa hẳn các cổ đông của ngân hàng sau hợp nhất đã muốn ngay lập tức niêm yết trở lại. Với cơ cấu dự kiến khoản 60% cổ phần nằm trong tay các cổ đông lớn, trong khi quá trình hợp nhất, tái cơ cấu muốn triệt để lại đòi hỏi khoảng thời gian không ngắn. Vì vậy, nhiều khả năng, các cổ đông lớn sẽ muốn tập trung vào việc tiết kiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động trước khi có ý định niêm yết trở lại.

Ý kiến chuyên gia

Ông Nguyễn Sơn, Vụ Trưởng vụ phát triển thị trường, Ủy ban chứng khoán cho biết, nhiều khả năng, Thông tư hướng dẫn Nghị định 58 sẽ được công bố trong tuần tới. Tuy nhiên, chi tiết về quy định liên quan đến hướng dẫn niêm yết sau hợp nhất/sáp nhập vẫn chưa được công bố chi tiết.

Chỉ có một điều chắc chắn là, nếu nội dung Thông tư ban hành không điều chỉnh so với dự thảo gần nhất được công bố, thì PVFC sẽ rất khó tìm được cửa niêm yết trở lại ngay, nếu hợp nhất vào năm 2013.

Giám đốc một công ty chứng khoán có uy tín trên thị trường chứng khoán cho biết, chỉ có hai hướng có thể gỡ được niêm yết cổ phiếu PVF sau đề án tái cơ cấu . Một là, quy định niêm yết nới lỏng hơn hoặc cơ quan quản lý chấp nhận niêm yết một phần. Hai là, đối với trường hợp PVFC, PVFC sẽ xin Ngân hàng Nhà nước cho phép giữ nguyên để án tái cơ cấu, nhưng có hai điểm thay đổi là cho phép PVFC được chuyển thành ngân hàng thương mại và chuyển từ hợp nhất sang sát nhập.

Theo Đầu tư chứng khoán

Comments are closed.