Tái cấu trúc DNNN: Phải “mở đường” cho thoái vốn

14/05/2013 // No Comment // Categories: Doanh nghiệp.

 

Thực hiện nhiệm vụ tái cấu trúc, nhiều DN Nhà nước (DNNN) đã tập trung thoái vốn ngoài ngành. Tuy nhiên con đường còn gặp nhiều gian nan…

Nhiều thách thức

Ở mỗi một DN, tái cấu trúc bao gồm có nhiều nội dung khác nhau như tái cấu trúc nguồn vốn, nguồn nhân lực, quản trị… Trong đó, phần tái cấu trúc nguồn vốn có vai trò quan trọng mà trọng tâm trong đó là thoái vốn ngoài ngành để tập trung nguồn lực vào ngành sản xuất chính. Không có thế mạnh trong những ngành kinh doanh như bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm… nhưng các DNNN vẫn đầu tư dẫn đến nguồn lực bị chia sẻ trong khi ngành kinh doanh chính đang cần nhiều vốn. Đơn cử như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong khi hàng năm EVN đều “kêu” thiếu tiền đầu tư cho điện nhưng lại đầu tư ngoài ngành khoảng 3.000 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ cũng kiên quyết yêu cầu các Tập đoàn, TCT đến năm 2015 phải thoái vốn ngoài ngành xong. Các đơn vị này hoặc đã lập kế hoạch hoặc đã bắt tay vào thoái vốn. Nhưng sự đi xuống của thị trường chứng khoán cùng với ràng buộc pháp lý đang khiến cho việc thoái vốn ngoài ngành trở thành cửa hẹp.

Đơn cử như Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), đơn vị này đang “tắc” khi muốn thoái 8,53% vốn tại một công ty có vốn điều lệ 1.200 tỷ đồng và đang lỗ lũy kế lên tới 141,46 tỷ đồng. Theo quy định, với những khoản đầu tư có giá trị trên 10 tỷ đồng vào các công ty chưa niêm yết phải thực hiện bán đấu giá và phải bảo toàn vốn. Sau khi bán đấu giá không thành công mới được bán thỏa thuận.

Tuy nhiên khi bán đấu giá lại phải tuân thủ các quy định của ngành chứng khoán mà theo đó việc chào bán chứng khoán phải đáp ứng một số điều kiện trong đó có việc DN không được lỗ lũy kế. Như vậy với các khoản đầu tư trên 10 tỷ đồng lại đang lỗ lũy kế DN không thể nào thực hiện thoái vốn được. Đó là chưa tính ngay cả với các khoản đầu tư đáp ứng đủ điều kiện chào bán thì việc có tìm được người mua ở mệnh giá 10.000 đồng hay không lại là một thách thức nữa.

Chấp nhận bán dưới mệnh giá

Cho đến nay, nguyên tắc cơ bản trong việc thoái vốn Nhà nước vẫn là phải bảo toàn vốn và đảm bảo giá thị trường. Điều này khiến người ta hiểu rằng, về cơ bản, khi thoái vốn Nhà nước, cơ quan thực hiện sẽ phải bán ra ở giá ít nhất là bằng mệnh giá.

Tuy nhiên, vào tháng 9-2011, Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã thực hiện thoái vốn Nhà nước ở CTCP Thức ăn chăn nuôi thủy sản Bạc Liêu với giá thấp hơn mệnh giá. Sở dĩ SCIC có thể thoái vốn dưới mệnh giá là nhờ vào công văn số 5868 ngày 26-8-2009 của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Tài chính và SCIC. Theo đó, chấp nhận đề nghị của hai đơn vị này, đối với DN thua lỗ 3 năm liên tiếp thì cho phép bán vốn Nhà nước dưới mệnh giá. Sau đó, SCIC đã đưa quy định này vào quy chế bán cổ phần của SCIC tại DN.

Có thể thấy, trong bối cảnh thị trường xấu đi, DN thua lỗ, giá cổ phiếu xuống dưới mệnh giá thì ngay cả cổ đông Nhà nước cũng phải chấp nhận bán cổ phần dưới mệnh giá. Dù rằng chưa có quy định chính thức cho toàn bộ thị trường, song các hướng dẫn của cơ quan quản lý có thẩm quyền đã cho phép bán vốn Nhà nước dưới mệnh giá trong những trường hợp nhất định.

Mặc dù luôn mong muốn bảo toàn vốn nhưng cổ đông Nhà nước không thể đi trái với thị trường “thuận mua vừa bán”, khi giá thị trường đang thấp thì cổ đông Nhà nước cũng không thể bán với giá chót vót. Những quy định liên quan đến bán vốn Nhà nước tại SCIC có lẽ cũng là nguồn tham khảo để cân nhắc đến một quy định cho việc thoái vốn DNNN.

Song bên cạnh việc xử lý các vướng mắc về pháp lý, có lẽ còn một vấn đề khác cần nhìn nhận lại. Đó là quan niệm về “bảo toàn vốn”. Liệu bảo toàn vốn Nhà nước có nhất thiết là phải giữ đúng giá trị đầu tư ban đầu? Có ý kiến cho rằng cần cân nhắc khi doanh nghiệp bán được vốn sẽ có thêm tiền để đầu tư vào lĩnh vực khác hiệu quả hơn, hoặc ít nhất cũng giảm được gánh nặng nợ lãi vay vốn ngân hàng.

Xét cho cùng, nguồn vốn Nhà nước đầu tư là từ nguồn ngân sách, nếu ngân sách đó do các DNNN sử dụng và quản lý không hiệu quả nên chăng chuyển sang các DN tư nhân khác sử dụng sẽ hiệu quả hơn. Như vậy xã hội sẽ nhận được nhiều lợi ích hơn.

Theo Thiên Cầm

Hải quan Online

 

Comments are closed.