CEO Cushman & Wakefield Việt Nam: Cơ hội để “săn” tài sản phát mãi

14/06/2013 // No Comment // Categories: Bất động sản.

Nhận định về thị trường BĐS, ông Chris Brown cho rằng lúc này là cơ hội vàng cho các chủ đầu tư có tiềm lực mạnh và tầm nhìn dài hạn tại Việt Nam.

Bất động sản là một trong những lĩnh vực quan trọng và có liên quan mật thiết tới các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Trong những năm qua kinh tế gặp khó khăn dẫn đến rất nhiều dự án BĐS không có vốn để triển khai khiến chủ đầu tư phải dừng dự án, cơ cấu hoặc bán bớt dự án.

Ngày 18/5 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 53 thành lập Công ty quản lý tài sản (VAMC), sự ra đời của VAMC nhằm thực hiện mua lại các khoản nợ xấu có bảo đảm bằng tài sản (phần lớn các tài sản bảo đảm bằng bất động sản. Điều này sẽ giúp cho việc xử lý tài sản (trong đó có bất động sản) có tính chuyên nghiệp hơn.

Trên thực tế, rất nhiều các công ty đầu tư kinh doanh bất động sản đã và đang chào bán nhiều dự án như Sudico, Vinconex2, Sông Đà Thăng Long, BĐS Dầu khí, Gemadept,…

Ông Chris Brown nhận định: “Thị trường bất động sản Việt Nam đang diễn biến phức tạp. Việc thiếu vốn đã làm cho rất nhiều chủ đầu tư không thể tiếp tục hoặc làm nốt các dự án dang dở của họ. Nhiều chủ đầu tư đã và đang phải cơ cấu lại danh mục, bằng cách loại bỏ bớt các dự án chưa mang lại lợi nhuận ngay. Lúc này cũng chính là cơ hội vàng cho các chủ đầu tư có tiềm lực mạnh và tầm nhìn dài hạn tại Việt Nam tìm kiếm cơ hội mua lại các dự án phát mãi.”

Theo ông Brown, hiện nay khắp Việt Nam đều có nợ xấu cần giải quyết, ông cho rằng tỷ lệ nợ xấu ở VN cao hơn 6% như đã công bố. Nếu ngân hàng và các nhà đầu tư không nhanh chóng giải quyết các khoản nợ xấu này, thị trường bất động sản khó có khả năng phục hồi.

Hiện nay, những nhà đầu tư thận trọng, nhiệt huyết và có khả năng tài chính tốt vẫn đang tìm kiếm những cơ hội mới ở Việt Nam và ở giai đoạn này của chu kỳ bất động sản sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư.

Các dự án thanh lý đang được các nhà đầu tư quan tâm nhất. Cushman & Wakefield đang nhận được nhiều yêu cầu quan tâm đầu tư từ các công ty Trung Đông và Nga, nhưng họ tập trung vào thị trường Hà Nội và TP.HCM.

Tuy nhiên, theo vị CEO này hiện thị trường đầu tư BĐS tại VN đang gặp một rào cản lớn đối với các nhà đầu tư ngoại gia nhập thị trường đó là yếu tố giá đất. Hiện HN và Tp.HCM có mặt bằng giá đất khá cao. Ông lấy vị dụ, giá đất để xây dự án thương mại ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh bằng 85% so với Singapo, trong khi giá thuê văn phòng tại Singapo gấp 2,5 lần TP. Hồ Chí Minh. Nếu các khu đất này không giảm giá, dự án sẽ không khả thi vì giá thuê văn phòng hạng A đã giảm 40% so với năm 2007.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhận thấy thị trường Việt Nam là thị trường chưa phát triển, tồn tại nhiều rủi ro. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã chịu tổn thất lớn khi thị trường suy thoái và sẽ không tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong thời gian ngắn. Thị trường đầu tư trong nước sẽ không phục hồi nhanh chóng nếu không có sự điều chỉnh kịp thời về giá đất và giải quyết triệt để vấn đề nợ xấu.

Phạm An

Theo Trí Thức Trẻ

Comments are closed.