Chủ tịch SSI: “Rất nhiều người đang xếp hàng mua nợ xấu”

11/09/2014 // No Comment // Categories: Tài chính - Ngân hàng.

“Khi các nhà đầu tư bay sang Việt Nam đã là bước một bước tiến rất dài về sự quan tâm tới thị trường Việt Nam. Công việc còn lại là chúng ta có mang đến cơ hội thực sự cho họ không”.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) trao đổi với VnEconomy bên lề hội nghị kết nối vốn mang tên “Gateway to Vietnam”, diễn ra sáng 11/9 tại Tp.HCM.

Ông nói:

- Bản thân tôi và những người tổ chức hội nghị “Gateway to Vietnam” mong muốn mang đến một bức tranh đa chiều thực chất về môi trường kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi mời đến đây những diễn giả xuất sắc thuộc cơ quan quản lý, các chuyên gia hàng đầu, tổ chức McKinsey, IFC, đại diện những doanh nghiệp thành công… và cả những nhà đầu tư không thành công.

Trước hết phải nhìn nhận “Gateway to Vietnam” không phải là buổi tổng kết thị trường và dự báo thị trường tài chính – chứng khoán. Đây là hội nghị dành cho các nhà đầu tư trực tiếp, nhà đầu tư gián tiếp. Có thể họ là những người muốn đầu tư lâu dài vào Việt Nam, muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư chiến lược hoặc đơn thuần chỉ mua bán cổ phiếu.

Hơn 600 đại biểu đại diện cho các quỹ đầu tư tìm cơ hội ở Việt Nam thông qua hội nghị này, trong đó đặc biệt họ được tiếp cận trực tiếp với 30 doanh nghiệp có tiềm năng ở Việt Nam.

Tất cả những người ngồi tại hội nghị “Gateway to Vietnam” sẽ vẽ được bức tranh tả thực. Không phải ai cũng nhìn thấy cơ hội từ triển vọng lạc quan vì trong số họ có thể còn muốn tình hình không thuận lợi để nhanh chóng mua được tài sản với giá rẻ.

Rất nhiều nhà đầu tư muốn mua nợ xấu. Họ đang đánh giá cơ chế để đưa ra quyết định cuối cùng. Họ đang xếp hàng muốn đầu tư vào nợ xấu.

Khi các nhà đầu tư bay sang Việt Nam đã là bước một bước tiến rất dài về sự quan tâm tới thị trường Việt Nam. Công việc còn lại là chúng ta có mang đến cơ hội thực sự cho họ không.

Vậy điều gì có thể thu hút các quỹ đầu tư tới Việt Nam tìm kiếm cơ hội trong giai đoạn hiện nay, thưa ông?

Sau hai lần tổ chức rất thành công vào năm 2009, 2010 thì nền kinh tế có những bước suy giảm nhất định. Sau đó, thông qua công cụ thăm dò ý kiến, chúng tôi nhận thấy sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Việt Nam không còn nhiều.

Quan tâm và quyết định đầu tư là cả một tiến trình. Nhưng họ mà chưa quan tâm thì có tổ chức cũng không thu được thành công.

Nhưng khi kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thêm nhiều chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn… thì nó lại đúng như những gì nhà đầu tư mong muốn. Đấy là lý do họ quan tâm trở lại với cơ hội đầu tư ở Việt Nam.

Và điều quan trọng SSI mong muốn nhất là sau hội nghị này, các nhà đầu tư sẽ đầu tư vào thị trường Việt Nam, cho dù đó là rót vốn vào các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), mua bán cổ phiếu hay mua bán nợ xấu… hoặc đầu tư trực tiếp.

Tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam đang khá chậm so với mục tiêu đề ra, ông nghĩ lý do là gì?

Theo tôi trước tiên phải nhìn vào mục đích của các đợt cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước muốn bán cổ phần doanh nghiệp để thu tiền nhưng vẫn muốn kiểm soát công ty đó hay muốn bán cổ phần để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đó.

Hai mục tiêu đó sẽ có những giải pháp khác hẳn nhau.

Nếu muốn bán để thu về một khoản tiền mà sau đó vẫn hoạt động như cũ thì nhà nước sẽ chọn thời điểm thị trường chứng khoán tốt rồi làm thủ tục nhanh để bán giá cao nhất, và tỷ lệ bán ra thấp để nhà nước tiếp tục có tỷ lệ chi phối quyết định mọi hoạt động của doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Nếu nhà nước muốn tái cơ cấu hoạt động của doanh nghiệp thì cần bán vốn với tỷ lệ cao (vượt 50% cổ phần – PV) để sau cổ phần hóa, cổ đông sẽ xây dựng được điều lệ, quy chế hoạt động và chọn ra bộ máy điều hành mới, công ty sẽ hoạt động theo cơ chế mới.

Cổ phần hóa theo hướng này ta chỉ xác định những doanh nghiệp mà nhà nước không cần giữ chi phối để thực hiện.

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp khi cổ phần hóa mà nhà nước bán ra tỷ lệ cổ phần lớn để nhà đầu tư bên ngoài vào tái cơ cấu thì sau một thời gian đều có kết quả tốt như trường hợp của REE, SAM, Vinamilk…

Có ý kiến cho rằng thị trường chứng khoán hiện khá tốt, theo ông, đây có là cơ hội để gia tăng hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước?

Đây là câu chuyện con gà quả trứng. Đừng nhìn thị trường tốt mà nghĩ có thể hoàn thành thủ tục IPO khi thị trường vẫn còn tốt.

Hôm nay thị trường nóng, nhưng khi thị trường xuống 3 phiên lại nguội lạnh ngay.

Ví dụ thị trường giao dịch trung bình 3 nghìn tỷ đồng mỗi phiên, thì tới khoảng 30-50% nguồn tiền từ cho vay margin. Như vậy nếu loại trừ tiền cho vay margin thì tiền của các nhà đầu tư không phải là quá lớn, nếu không tìm được thêm nhà đầu tư mới và chúng ta bán thành công 20% cổ phần Sabeco ra công chúng thì hút một lượng tiền đáng kể ra khỏi thị trường giao dịch hàng ngày.

Do đó, muốn cổ phần hóa thành công thì phải tìm nhà đầu tư chiến lược. Đó mới là yếu tố then chốt.

Nhìn về triển vọng năm tới, theo ông, mức độ tăng trưởng kinh tế, phát triển doanh nghiệp có khả quan hơn năm nay?

Hồi đầu năm nay tôi từng cho rằng, 2014 là năm tốt nhất của thị trường chứng khoán trong nhiều năm trở lại đây. Và thị trường chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế.

Rõ ràng năm 2014, kinh tế bớt khó khăn hơn so với những năm trước, tuy nhiên vẫn còn đầy những rủi ro tiềm ẩn nên không thể chủ quan được.

Năm 2015 tôi nghĩ sẽ không khác nhiều so với năm 2014, còn những năm sau nữa hiện quá sớm để chúng ta dự báo.

Theo Vneconomy

Comments are closed.