FDI giảm 29% cũng không có gì đáng ngại

28/10/2014 // No Comment // Categories: Tin trong nước.

Xét về lâu dài, điểm quan trọng trong việc thu hút FDI là chuyển giao công nghệ nguồn, dây chuyển công nghệ hiện đại cho Việt Nam.

Cục Đầu tư nước ngoài vừa công bố tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 10 tháng năm 2014. Theo đó, Việt Nam thu hút được hơn 13,7 tỷ USD giảm gần 29 % so với cùng kỳ 2013.

Để biết lí do vì sao vốn FDI vào Việt Nam lại bị giảm sút mạnh như vậy, PV đã có cuộc trao đối với ông Đặng Xuân Quang, Cục Phó Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

PV: Thưa ông, Cục Đầu tư nước ngoài vừa vừa công bố tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài 10 tháng năm 2014, theo đó vốn FDI đăng kí vào Việt Nam đã giảm 29% so với cùng kỳ. Theo ông nguyên nhân vì sao khiến FDI vào Việt Nam giảm mạnh như vậy?
Ông Đặng Xuân Quang: Trong 10 tháng năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 13,7 tỷ USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ. Tính đến thời điểm hiện tại cả nước có 1.306 dự án mới với tổng vốn đăng ký 9,95 tỷ USD, giảm 24% so với cùng kỳ. Như vậy có thể nói tình hình thu hút FDI giảm sút đáng kể. Tuy nhiên, điều này không có gì đáng ngại bởi nguồn vốn giải ngân, trong 10  tháng ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài là 10,15 tỷ USD, tăng 5,9 % so với cùng kỳ năm 2013. Tất nhiên, nguồn vốn giải ngân mới thực sự sự quan trọng bởi nó là nguồn vốn thực vào Việt Nam.
Về nguyên nhân khiến vốn FDI vào Việt Nam giảm đáng kể đó là do khó khăn chung của nền kinh tế thế giới. Sự phục hồi của kinh tế thế giới còn rất mọng mạnh, chậm. Ngay cả với những quốc gia đầu tư FDI lớn vào Việt Nam như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc…nền kinh tế vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Đây là một nguyên nhân lớn khiến cho đầu tư FDI vào nước ta giảm sút.
Về phía Việt Nam, tôi loại trừ nguyên nhân do chính sách của Nhà nước bởi trong thời gian qua Chính Phủ đã làm mọi thứ, ban hành các chính sách, mức ưu đãi, tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài: ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế suất, tiền thuê đất. Theo đó, các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo….
Tuy nhiên, xét về nội tại nền kinh tế Việt Nam những khó khăn về kinh tế tăng trưởng chậm, GDP mới chỉ đạt 5,8% khiến các nhà đầu tư vẫn còn e ngại trong việc xuất vốn vì sợ rủi ro.
PV: Ông vừa nói việc FDI giảm gần 29% cũng không đáng ngại. Vậy điều gì mới là quan trọng trong thu hút vốn FDI của Việt Nam, thưa ông?
Ông Đặng Xuân Quang: Đúng vậy, như tôi đã nói vốn đầu tư đăng kí vào Việt Nam giảm nhưng thực tế nguồn vốn giải ngân vẫn tăng. Đây là một tín hiệu đáng mừng song suy cho cùng thì Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài trước mắt là muốn có nguồn vốn phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, xét về lâu dài điểm quan trọng trong việc thu hút FDI là chuyển giao công nghệ nguồn, dây chuyển công nghệ hiện đại cho Việt Nam.

Muốn phát triển phải dựa vào sức mạnh nội tại của nền kinh tế. Tôi nói vậy có nghĩa là phải làm sao cho các doanh nghiệp nước ngoài họ chuyển giao công nghệ cho Việt Nam để từ đó các doanh nghiệp Việt học hỏi, vươn lên làm chủ nền kinh tế, tăng sức mạnh quốc gia bằng sức mạnh nội tại của chính mình.
PV: Vậy tình hình chuyển giao công nghệ hiện ra sao, thưa ông?
Ông Đặng Xuân Quang: Không phải mình muốn, mình thúc đẩy là họ chuyển giao công nghệ. Việc chuyển giao công nghệ này phụ thuộc vào phía doanh nghiệp FDI và phía Việt Nam. Khi nào họ thấy cần thiết, có lợi ích nhất họ sẽ tự khắc chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt. Chuyển giao công nghệ là một quá trình lâu dài chứ không phải muốn là được ngay.
Trước đây, tại một hội thảo, Giám đốc Tổ hợp khu sản xuất của Samsung ở Bắc Ninh có nói họ sẵn sàng chia sẻ công nghệ, dây chuyền sản xuất cho phía Việt Nam nhưng ở thời điểm đó các doanh nghiệp Việt phải đảm bảo trình độ đủ để tiếp nhận và vận hành tốt.
Mới đây, Hàn Quốc cũng công bố đến 2015 sẽ chuyển giao 100 công nghệ cho Việt Nam: công nghệ ô tô, dệt may, điện tử… Đây là một tín hiệu tốt cho nền công nghiệp Việt Nam.
PV: Ông đánh giá như nào về vai trò của các doanh nghiệp FDI trong nền kinh tế? Xu hướng thu hút vốn FDI mới trong thời gian tới như nào, thưa ông?
Ông Đặng Xuân Quang: Rõ ràng rằng trong bối cảnh hiện nay doanh nghiệp FDI có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Chỉ tính riêng lao động họ đã sử dụng lên tới 2,5 triệu lao động, chiếm tới trên 20% tổng số vốn của nền kinh tế. Tỷ lệ đóng góp GDP lớn ở một số tỉnh thành như: Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc…
Trong thời gian tới sẽ tiếp tục có các chính sách thu hút đầu tư FDI, ưu đãi cho các doanh nghiệp dựa trên 3 tru cột: ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, chi phí thuê đất… Tuy nhiên, xu hướng trong thời gian tới sẽ hướng đến chuyển giao công nghệ nguồn, học hỏi bài học công nghệ, sản xuất, quản lý…để áp dụng vào thực tế tăng tiềm lực nội lực cho nền kinh tế Việt Nam.
Xin cám ơn ông!
Theo Cafef

Comments are closed.