5 đề xuất bình ổn thị trường tiền tệ

27/12/2010 // No Comment // Categories: Tài chính - Ngân hàng.

VAFI vừa đề xuất năm giải pháp bình ổn thị trường tiền tệ, trong đó kiến nghị NHNN nên xem xét bỏ chính sách cho doanh nghiệp xuất khẩu vay ngoại tệ dùng làm vốn lưu động thu mua nguyên liệu, hàng xuất khẩu.

Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên xem xét bỏ chính sách cho doanh nghiệp xuất khẩu vay ngoại tệ dùng làm vốn lưu động thu mua nguyên liệu, hàng xuất khẩu.

Theo VAFI, các doanh nghiệp chế biến và kinh doanh hàng xuất khẩu đã tích cực vay ngoại tệ để được hưởng chi phí lãi vay thấp hơn VND trong hoàn cảnh tỷ giá VND/USD đang bình ổn và chưa có dấu hiệu biến động mạnh. Thống kê sơ bộ của năm nay cho thấy tín dụng ngoại tệ tăng lên rất nhiều so với các năm trước.

VAFI cho rằng: “Rõ ràng chính sách này đã làm cho cầu ngoại tệ tăng nhanh, dẫn tới việc các ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất huy động ngoại tệ lên tới mức khoảng 5%/năm”.

Lãi suất tiền gửi ngoại tệ của năm 2010 là cao hơn so với các năm trước, đặc biệt là so với năm 2008, 2009 khi nền kinh tế Việt Nam bị tác động nhiều bởi lạm phát cao, bởi khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới, bởi thiếu hụt ngoại tệ thanh toán và nhập siêu. Vì vậy, VAFI cho rằng, khi lãi suất tiền gửi ngoại tệ tăng nhanh (khoảng 5%) cộng với những dấu hiệu lạm phát…đã kích thích nhiều người gửi tiền lựa chọn phương thức gửi tiết kiệm ngoại tệ khiến cầu ngoại tệ tăng lên, dẫn tới tỷ giá thị trường tự do tăng theo. VAFI cho rằng, Ngân hàng nhà nước nên từ bỏ chính sách này sẽ tạo điều kiện hạ nhanh mặt bằng lãi suất huy động.

VAFI cũng cho rằng, cần nghiên cứu cơ chế tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các ngân hàng thương mại lên mức 40% hoặc 35%. Theo VAFI, việc cho phép NĐTNN được mua loại cổ phần phổ thông nhưng không có quyền biểu quyết, nhằm tạo điều kiện tăng vốn hoạt động cho hệ thống ngân hàng thương mại. VAFI đồng đề nghị Bộ Tài chính và UBCKNN nghiên cứu cơ chế cho phép NĐTNN được mua loại cổ phần phổ thông không có quyền biểu quyết nhằm tạo sự hấp dẫn hơn nữa cho thị trường chứng khoán, đồng thời tăng cường thu hút nguồn vốn FII (vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp).

Cũng theo VAFI , cần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa DNNN như các năm 2004, 2005, 2006. Theo VAFI, trong các năm 2008, 2009, 2010 tiến trình cổ phần hóa bị giảm tốc mạnh, chỉ với ít DNNN được cổ phần hóa. VAFI đề nghị trong năm 2011 phải có bước ngoặt trong việc thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa DNNN. Những người làm công tác đổi mới doanh nghiệp, nhất là cán bộ lãnh đạo phải có tư tưởng đổi mới, có sáng kiến đổi mới thì mới xứng đáng với nhiệm vụ của mình.

VAFI nhấn mạnh, trong năm 2011 nên tập trung thực hiện việc bán cổ phần nhà nước tại các doanh nghiệp lớn đang và đã cổ phần hóa. các DNNN này đã xây dựng phương án thu hút đối tác chiến lược nước ngoài và những đối tác này sẵn sàng trả giá cao hơn nhiều so với mặt bằng giá thị trường hiện nay. Theo VAFI, việc bán cổ phần nhà nước tại các doanh nghiệp này trong năm 2011 sẽ thu được hàng tỷ đô la cho ngân sách, tăng nguồn cung ngoại tệ cho thị trường, góp phần ổn định chính sách tỷ giá.

Cuối cùng VAFI cho rằng, cần một lộ trình hạ dần lãi suất huy động tiền gửi ngoại tệ để giảm lãi suất huy động VND.

Theo Vafi

Comments are closed.