Sự ngu ngốc của đám đông

14/04/2011 // No Comment // Categories: Kiến thức đầu tư.

Năm 1929, Joseph Kennedy đã bán sạch danh mục khi ông thấy rằng đến một cậu bé đánh giày cũng đang đưa ra lời khuyên đầu tư cổ phiếu. Đám đông thường ngu ngốc nhiều hơn khôn ngoan.

Nếu bạn nhìn thấy đám đông bên ngoài một siêu thị, hẳn đang có đợt khuyến mại. Nếu đám đông tụ tập ngoài ngân hàng, nhiều khả năng nhóm người gửi tiền đầy lo lắng đang cố gắng rút tiền ra. Trong cả hai trường hợp, hành động của nhóm người này phát đi tín hiệu rằng sẽ có lợi nếu hành động theo đám đông.

Thế nhưng liệu nguyên tắc sự khôn ngoan của đám đông có áp dụng được với hoạt động đầu tư? Nhiều khi ở thời điểm bong bóng đỉnh cao, việc đi ngược lại đám đông mang lại hiệu quả. Bong bóng xảy ra khi một phần dân số quan tâm đến loại tài sản nhất định, dù đó là cổ phiếu công nghệ cuối thập niên 1990 hay bất động sản vào giữa những năm 2000. Chuyện kể rằng vào năm 1929, Joseph Kennedy đã bán sạch danh mục khi ông nghe thấy rằng đến một cậu bé đánh giày cũng đang đưa ra lời khuyên đầu tư cổ phiếu.

Tuy nhiên, chẳng phải lúc nào cũng có bong bóng. Trong trường hợp thông thường, việc hành xử theo đám đông mang lại nhiều lợi nhuận. Sau cùng, các nhà đầu tư trái phiếu lớn thường theo dõi rất sát số liệu lạm phát, trong khi đó thị trường chứng khoán thường mang đến chỉ báo sớm về suy thoái sắp đến.

Để hiểu được thành công đầu tư của đám đông, Economist đã yêu cầu Morningstar, một tổ chức đầu tư, cung cấp dữ liệu các dòng tiền và hoạt động của một số quỹ tại Mỹ. Sau đó, Economist áp dụng một số bài kiểm tra cơ bản. Liệu có phải nhà đầu tư rót tiền vào loại tài sản đã tăng giá mạnh trong 12 tháng trước đó? Và liệu dự báo của họ áp dụng cho 12 tháng tiếp theo?

Nghiên cứu cho thấy đám đông thường ngu ngốc nhiều hơn là thông thái. Lĩnh vực được ưa chuộng nhất, tính theo dòng tiền ròng, tăng trưởng khá mạnh trong năm trước đó, cao hơn ngành trung bình khoảng hơn 2%. Nhà đầu tư rõ ràng đang đi theo xu thế.

Trong 12 tháng sau đó, lĩnh vực được chuộng nhất tăng trưởng kém hơn lĩnh vực trung bình khoảng 3%. Trong khoảng 60% trường hợp, lợi nhuận của lĩnh vực được chuộng nhất thấp hơn so với khi nhà đầu tư đổ tiền vào trước đó.

Nhà đầu tư không khỏi loạn đầu với những lời khuyên họ nhận được. Dự báo lợi nhuận từ phía các chuyên gia phân tích tại các ngân hàng đầu tư và môi giới chứng khoán thường được sử dụng như căn cứ để định giá cổ phiếu và dự báo lợi nhuận dài hạn. Trong khoảng 25 năm qua, dự báo tăng trưởng lợi nhuận hàng năm của các công ty Mỹ chưa bao giờ xuống sâu dưới mức 10%.

Tất nhiên thực tế chẳng bao giờ tốt đẹp đến như vậy. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận như vậy cao hơn nhiều so với tăng trưởng hàng năm của kinh tế Mỹ, dự báo trên hoàn toàn khó khả thi. Mức độ tăng trưởng của EPS trên thị trường chứng khoán thấp hơn nhiều so với tăng trưởng GDP của Mỹ bởi nhiều công ty tăng trưởng nhanh nhất không được tính đến.

Tồi tệ hơn, vào năm 2000, dự báo lợi nhuận ở mức đỉnh cao khi thị trường chứng khoán chuẩn bị mất điểm. Các chuyên gia cũng chả mấy khôn ngoan hơn so với người nhận lời khuyên của họ.

Sự thông thái của đám đông chỉ có ý nghĩa khi dự báo thực sự độc lập, ví như khi các nông dân cùng đoán trọng lượng của một con bò tại hội chợ. Một khi bạn biết người khác đang nghĩ gì, quan điểm của họ sẽ khiến bạn sai lầm.

Bẩm sinh, con người ta được lập trình để hành động theo đám đông. Tỷ phú Warren Buffett kể câu chuyện của một người khai thác dầu đã chết buộc phải dừng lại trước cổng thiên đường bởi thánh Peter bảo với ông rằng việc làm cho người khai mỏ ở thiên đường đã hết.

Anh này lập tức thò đầu qua cửa thiên đường và hô lên: “Này các anh kia, người ta tìm thấy dầu ở địa ngục”. Lập tức đám đông người chạy khỏi cửa thiên đường và sau đó người khác thác dầu này được thánh gọi vào trong. Tuy nhiên người đó trả lời: “Xin cám ơn. Nhưng tôi sẽ cần kiểm chứng lời đồn đó.”

Theo CafeF

Comments are closed.