Kiềm chế lạm phát và nhập siêu: Xung đột!

04/01/2011 // No Comment // Categories: Tin trong nước.

Cho tới giữa tháng 12, có thể nói, gần như chắc chắn Việt Nam thành công trong việc kiềm chế nhập siêu trong năm nay. Thế nhưng, ngược lại, chẳng có phép màu nào giúp chúng ta có thể thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát. Rất có thể thực tế đó bắt nguồn từ việc Chính phủ đã “quá mạnh tay” trong việc kiềm chế nhập siêu, cho nên lạm phát vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Số liệu thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm nay đạt 71,6 tỉ đô la, còn nhập khẩu ở mức 84 tỉ đô la và nhập siêu là 12,37 tỉ đô la. Như vậy tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu chỉ 17,3%, thấp hơn so với ngưỡng đặt ra là dưới 20%.

Nếu vậy, căn bệnh nhập siêu đã được điều trị và có phần thuyên giảm.

Thế nhưng, số liệu thống kê cũng cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm đã vượt qua ngưỡng hai chữ số (11,75%). Đây là điều mà đến giữa năm nay ít người có thể ngờ tới.

Trong bối cảnh của nền kinh tế nước ta và những biến động của thị trường thế giới năm qua, có lẽ những giải pháp đã được áp dụng thiên về việc thực hiện mục tiêu kiềm chế nhập siêu hơn kiềm chế lạm phát.

Trước hết, các số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy tuy có tăng có giảm, nhưng giá nguyên liệu thế giới ở thời điểm tháng 6 năm nay nằm ở mức “đáy” và bắt đầu nhích lên từ tháng 7, đến tháng 8 tăng 2,5%; tháng 10 tăng kỷ lục 5,5% và tháng 11 tăng 3,1%. Tính chung lại, giá nguyên liệu thế giới cho đến tháng 11 vừa qua đã tăng 14,9% so với tháng 6. Riêng giá nguyên liệu phi dầu mỏ năm tháng gần đây tăng cao hơn mức tăng chung, lên đến 20,6%.

Rõ ràng, với một nền kinh tế mà “rổ nguyên liệu nhập khẩu” hiện chiếm tới khoảng 65% “rổ hàng hóa nhập khẩu” và lên tới khoảng 40% “rổ GDP” như của Việt Nam, việc giá nguyên liệu phi dầu mỏ tăng mạnh như vậy trong những tháng gần đây đã đặt chúng ta vào tình thế hết sức khó khăn.

Các kết quả tính toán cho thấy kim ngạch nhập khẩu 13 mặt hàng chủ yếu (trong đó có 11 loại nguyên liệu) 11 tháng qua đã đạt 22,65 tỉ đô la, tăng 2,87 tỉ đô la, hay 14,5%, so với cùng kỳ năm 2009. Thế nhưng, nếu quy về giá cùng kỳ năm 2009, quy mô nhập khẩu các mặt hàng này “co lại” chỉ còn 17,85 tỉ đô la, giảm tới 1,94 tỉ đô la hay 9,8% so với cùng kỳ. Như vậy, kể cả yếu tố khối lượng giảm và giá tăng, kim ngạch nhập khẩu 13 mặt hàng này giảm tới 4,8 tỉ đô la và 24,3% so với cùng kỳ năm 2009.

Từ thực tế này, một câu hỏi lớn đặt ra là, liệu nhập khẩu giảm mạnh như vậy là do nhu cầu của nền kinh tế giảm, hay là do giá tăng quá cao?

Câu trả lời có lẽ chỉ có thể nghiêng về khả năng thứ hai, do giá nguyên liệu thế giới tăng quá mạnh. Nếu vậy, suy đoán tất yếu sẽ là, do đã hạn chế nhập khẩu để chờ giá thế giới, tồn kho nguyên liệu trong nước đang mỏng, cho nên nhập khẩu sẽ tăng mạnh trở lại khi giá thế giới dịu bớt, hoặc ngay cả khi giá thế giới vẫn chưa dịu, nhưng tồn kho không còn để đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Một khi giá nguyên liệu tăng mạnh đương nhiên cũng làm cho lạm phát tăng thêm. Ngoài ra việc tỷ giá đô la Mỹ/đồng Việt Nam tăng lần thứ hai trong năm đúng vào thời đoạn giá nguyên liệu thế giới tăng trở lại khiến cho không chỉ giá nguyên liệu, mà hầu như toàn bộ hàng hóa nhập khẩu tính bằng tiền đồng đều đắt đỏ hơn.

Trong điều kiện “rổ hàng hóa nhập khẩu” của nước ta đã quá lớn, bản thân việc giá thế giới liên tục tăng mạnh đã là “chiếc phanh” kiềm chế nhập khẩu hữu hiệu và ngược lại, thúc đẩy xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc tăng tỷ giá càng làm tăng tác dụng ngược chiều nhau này của giá cả đối với xuất khẩu và nhập khẩu.

Đây chính là nguyên nhân giải thích vì sao chúng ta thành công trong việc kiềm chế nhập siêu, nhưng lại thất bại trong việc kiềm chế lạm phát. Nói cách khác, dường như chúng ta đã thái quá trong kiềm chế nhập siêu, cho nên đã bất cập trong kiềm chế lạm phát. Nếu những điều nói trên là đúng, đây có lẽ sẽ là một bài học kinh nghiệm bổ ích trong việc lựa chọn giải pháp thích hợp để ổn định kinh tế vĩ mô.

Comments are closed.