Nên quy định “trần” lãi suất huy động ngoại tệ

06/01/2011 // No Comment // Categories: Tài chính - Ngân hàng.

Với mức lãi suất tiết kiệm ngoại tệ đang được các nhà băng trong nước áp dụng hiện nay, dao động trên 5%/năm, các chuyên gia kinh tế – tài chính cho rằng, cần sớm điều chỉnh giảm và cần có mức trần khống chế để có thể giảm lãi suất huy động nội tệ.

So với lãi suất tiền gửi ngoại tệ, hiện lãi suất tiền gửi bằng VND không cao hơn bao nhiêu nên khó thu hút vốn nhàn rỗi trong dân cư.

Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, sở dĩ lãi suất tiết kiệm tiền đồng tăng cao trong thời gian qua một phần do tác động tiêu cực từ việc tỷ giá tăng và các ngân hàng áp dụng lãi suất ngoại tệ trên 5%/năm.

Theo ông Nghĩa, để góp phần làm giảm lãi suất tiết kiệm tiền đồng trong thời gian tới, trước mắt nên xem xét điều chỉnh giảm lãi suất huy động ngoại tệ. Đồng thời, hạn chế ngân hàng mở rộng tín dụng bằng USD.

“Có thể mức lãi suất hiện nay sẽ duy trì tới hết quý I/2011 và sau đó sẽ giảm. Nhưng quan trọng là buộc các ngân hàng thương mại (NHTM) hạ lãi suất tiền gửi ngoại tệ và tăng lãi suất cho vay ngoại tệ để người dân ít quan tâm hơn tới ngoại tệ mà chuyển sang gửi bằng VND”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Ông Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP. HCM, đồng thời là thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cũng có quan điểm tương tự.

Theo ông Ngân, để điều chỉnh lãi suất tiền đồng trong thời gian tới, ngoài yếu tố kiểm soát lạm phát xuống mức phù hợp, cũng cần xem xét đến yếu tố hạ lãi suất ngoại tệ. Trước mắt, nên quy định trần lãi suất tiền gửi USD và tăng dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi USD, qua đó, hạn chế các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động cho vay vốn ngoại tệ, ảnh hưởng đến nguồn cung USD khi các hợp đồng tín dụng ngoại tệ đến kỳ đáo hạn.

Ông Ngân cho rằng, hiện lãi suất cao do lạm phát tăng trong năm 2010, nhưng không thể cao hơn nữa, vì lạm phát sẽ được kiểm soát. Tuy nhiên, với mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2011 ở mức 7%, theo ông Ngân, để thực hiện được, đòi hỏi phải thắt chặt chi tiêu, giảm bội chi ngân sách.

Cũng theo ông Ngân, lãi suất trên thị trường nên được điều tiết theo lạm phát cơ bản. Lạm phát cơ bản là chỉ tiêu đo lường lạm phát, trong đó loại trừ một số nhóm mặt hàng nhất định dễ biến động giá như là lương thực, thực phẩm, năng lượng.

Hiện nay, lãi suất tiết kiệm tiền đồng đã có mức trần trong huy động, với 14%/năm. Song với ngoại tệ, trong thời gian qua cũng như hiện nay, các NHTM được tự do ấn định lãi suất huy động vốn, thay vì bị khống chế bởi mức “trần”.

Trên thực tế, lãi suất huy động ngoại tệ cũng là một nhân tố ảnh hưởng tới lãi suất tiền đồng, vì khi lãi suất USD cao, giá đồng USD lên. Mặt khác, trước áp lực lãi suất thỏa thuận VND cao hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn thấy vay USD lợi hơn.

Cụ thể, vay ngoại tệ lúc này lãi suất vẫn có thể chấp nhận được (dao động ở mức khoảng 5 – 6%/năm, chỉ bằng phân nửa lãi suất vay vốn VND) khi lãi suất cho vay bằng VND được các nhà băng đẩy lên mức cao 18 – 19%/năm.

Vì vậy, dù NHNN đã có công văn yêu cầu các NHTM kiểm soát chặt chẽ, hạn chế cho vay vốn ngoại tệ và hỗ trợ cho vay tiền đồng để thanh toán, nhưng tín dụng USD vẫn tăng mạnh.

Do đó, các ngân hàng tiếp tục nâng lãi suất ngoại tệ lên để hút vốn và lãi suất USD càng hấp dẫn hơn nên người dân chọn gửi ngoại tệ.

Tuy nhiên, về lâu dài, các chuyên gia kinh tế – tài chính cho rằng, lãi suất VND nên theo cơ chế thả nổi là đúng hướng, song trong điều kiện bất thường (một số NHTM chưa tự giác chấp hành luật) thì cần có bàn tay hữu hình của NHNN để điều tiết lãi suất thị trường theo mục tiêu mà NHNN đã định hướng.

Cụ thể, bắt đầu từ ngày 1/1/2011, khi Luật NHNN và Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực, NHNN nên áp dụng các luật này để quy định cơ chế điều hành lãi suất trần cho lãi suất huy động. Nếu NHTM nào vi phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng, NHNN căn cứ vào Luật để xử lý theo mức độ vi phạm.

Comments are closed.