Giải ngân ODA: Vẫn còn sai lệch số liệu báo cáo

10/06/2011 // No Comment // Categories: Tin trong nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính mới chỉ ghi nhận 93% trong tổng lượng ODA mà các đối tác phát triển đã giải ngân trong năm 2010.

Theo báo cáo tiến độ hiệu quả viện trợ của Diễn đàn hiệu quả viện trợ (AEF) trong khuôn khổ Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) năm 2011, với bối cảnh quốc gia có mức thu nhập trung bình, trọng tâm của viện trợ cần được tập trung nhiều hơn cho việc tăng cường năng lực của Chính phủ để quản lý tốt hơn các nguồn lực công.

Các đối tác của AEF cho rằng, việc xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 131 phải nhất quán và bổ trợ cho Đề án định hướng thu hút và sử dụng ODA thời kỳ mới ở cấp quản lý và cấp thực hiện. Nghị định này phải tạo thuận lợi cho việc thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA có hiểu quả trên cơ sở 5 nguyên tắc của Tuyên bố Paris và Cam kết Hà Nội về hiệu quả viện trợ.

AEF cũng đề cập tới Diễn đàn cấp cao về hiệu quả viện trợ lần thứ tư (HLF-4) sẽ diễn ra tại Busan, Hàn Quốc vào tháng 11 tới. Theo đó, một cam kết chính trị mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển là chìa khóa thành công cho Diễn đàn này.

Cũng theo AEF, hiện vẫn còn khoảng cách giữa con số giải ngân do các đối tác phát triển báo cáo và con số được ghi nhận trong ngân sách hàng năm của Chính phủ.

Chẳng hạn, năm 2010, khoảng 3.783 triệu USD đã được các đối tác phát triển báo cáo là đã được giải ngân cho khu vực nhà nước. Tuy nhiên, báo cáo ODA của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính lên Thủ tướng và Quốc hội cho thấy mới chỉ ghi nhận được 93% trong tổng lượng ODA (khoảng 3.519 triệu USD gồm vốn vay và viện trợ) mà các đối tác phát triển báo cáo là đã giải ngân trong năm 2010.

Theo đó, do khoản hỗ trợ ngân sách được tự động ghi nhận vào ngân sách của Chính phủ, khoảng cách giữa các con số báo cáo là do mô hình viện trợ dự án. Một số bộ ngành vẫn tiếp tục yêu cầu vốn ODA từ các đối tác phát triển mà không dự tính trước cho các dự án ưu tiên mới, do vậy tạo nên bức tranh ODA thường bị phân mảnh.

Nguyên nhân chính của việc sai lệch giữa số liệu Chính phủ và số liệu các đối tác phát triển bao gồm sự khác biệt về năm tài khóa, thiếu chia sẻ thông tin kịp thời từ phía một số đối tác phát triển, hoặc do dữ liệu được tính nhiều lần đối với các khoản từ giỏ tài trợ, từ các quỹ ủy thác, hoặc không tính được các chi phí mà các đối tác phát triển trả trực tiếp cho bên thứ 3 và do hệ thống báo cáo viện trợ của Chính phủ chưa được hoàn chỉnh, đặc biệt là đối với các khoản hỗ trợ kỹ thuật.

Ngoài ra, còn do sự nhìn nhận khác nhau về giải ngân giữa Chính phủ và các đối tác phát triển – luôn có một khoảng trễ giữa thời điểm vốn được chuyển từ tài khoản của các đối tác phát triển đến thời điểm thanh toán xong các chi phí và được Chính phủ ghi nhận là đã giải ngân.

Tuy vậy, con số giải ngân của Chính phủ đã tiến ngày một gần hơn với con số của các đối tác phát triển, từ 81%ăm 2005 đến 93% năm 2010.

Comments are closed.