Ba nhiệm vụ trọng tâm của NHNN trong năm 2011

12/01/2011 // No Comment // Categories: Tài chính - Ngân hàng.

Chính phủ yêu cầu NHNN hoàn thành tốt các nhiệm vụ về kiểm soát lạm phát, kiểm soát nhập siêu và duy trì bảo đảm hệ thống tiền tệ, tín dụng, ngân hàng.

Để thực hiện có hiệu quả giải pháp tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Chính phủ yêu cầu NHNN hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể là:

Về giải pháp kiểm soát lạm phát, NHNN điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ có liên quan trong việc kết hợp hài hoà giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá để kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tín dụng và đảm bảo lãi suẩt ở mức hợp lý;

Điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt theo tín hiệu thị trường; tăng cường năng lực phân tích, dự báo, chủ động điều chỉnh lượng cung tiền để đảm bảo tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng, góp phần kiểm soát lạm phát.

Để kiểm soát nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán, NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra và giám sát các nguồn vốn vào – ra, đặc biệt là vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút kiều hối;

Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phân tích, dự báo các nguồn vốn vào – ra để chủ động điều hành thị trường ngoại hối, ổn định cán cân thanh toán và tăng dự trữ ngoại hối một cách hợp lý;

Sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ phù hợp để khuyến khích các ngân hàng thương mại cho vay sản xuất các mặt hàng có thị trường xuất khẩu lớn.

Để duy trì bảo đảm hệ thống tiền tệ, tín dụng, ngân hàng, NHNN chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện có hiệu quả các giải pháp:

(i) Điều hành có hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ; kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng ở mức hợp lý, có biện pháp điều tiết để giảm mặt bằng lãi suất kinh doanh của các tổ chức tín dụng nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm pháp, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống nhân dân;

Có biện pháp hỗ trợ để các ngân hàng thương mại ưu tiên cho vay phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp hỗ trợ; hạn chế tối đa sử dụng các biện pháp hành chính;

(ii) Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản lý ngoại hối; điều hành thị trường ngoại hối và tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp với tình hình cung – cầu ngoại tệ, bảo đảm tăng tính thanh khoản của thị trường, khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và góp phần tăng dự trữ ngoại hối; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý cán cân thanh toán quốc tế;

(iii) Thực hiện các biện pháp đồng bộ, có hiệu quả để kiểm soát thị trường ngoại tệ và thị trường vàng; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hoạt động kinh doanh vàng, thu đổi ngoại tệ trái pháp luật.

Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch thông tin của thị trường ngoại tệ và thị trường vàng; có giải pháp phù hợp để quản lý, kiểm soát được luân chuyển vốn, tín dụng giữa các thị trường này.

Xây dựng, hoàn thiện quy định quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng nâng cao vai trò quản lý nhà nước, kiểm soát chặt chẽ và lưu thông vàng miếng.

Đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm giảm tình trạng đô la hoá, chuyển dần quan hệ huy động – cho vay trong nước bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng sang quan hệ mua – bán ngoại tệ, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2011;

(iv) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2011 Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2011 – 2015;

(v) Tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định an toàn về tín dụng, ngân hàng theo lộ trình phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện kinh tế – xã hội nước ta; chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại tài sản và nguồn vốn theo hướng an toàn, bền vững.

Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, tăng cường kiểm tra, giám sát, cảnh báo sớm rủi ro hệ thống; hỗ trợ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng trong phòng chống rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống.

Ngoài ra, trong năm 2011, NHNN phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức tốt Hội nghị Thường niên Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) lần thứ 44 tại Việt Nam.

Theo SBV

Comments are closed.