Tăng trưởng tín dụng gần 30% và nút thắt lãi suất

14/01/2011 // No Comment // Categories: Tài chính - Ngân hàng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng 2010 tăng 29,81% so với cuối năm 2009, tổng phương tiện thanh toán tăng 25,3%.

Con số này cao hơn hẳn mức tăng trưởng tín dụng cũng như tăng tổng phương tiện thanh toán được thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu nêu ra tại cuộc họp về lãi suất của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội ngày 25/12/2010 lần lượt là 27,65% và 23%. Như vậy, con số tăng trưởng tín dụng thực của cả năm 2010 cao hơn gần 5% so với chỉ tiêu đề ra.

Giải quyết thanh khoản ngắn hạn

Tuy nhiên câu chuyện tiền tệ của năm 2010 không chỉ nằm ở chỗ tăng trưởng tín dụng cao, mà là mặt bằng lãi suất rất cao bất chấp tăng trưởng tín dụng.

Khi lãi suất huy động bị chặn ở mức trần 14%, thì các tổ chức tín dụng đang kéo đường cong lãi suất thành đường thẳng khi mà lãi suất kỳ hạn tiền gửi ngắn ngang với kỳ hạn dài.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm ngày 7/01/2011, theo thông báo của trang website NHNN, lại tăng vọt lên 11,4%/năm, kỳ hạn một tuần 13,32%/năm. Quan trọng hơn NHNN đầu tuần này vừa nâng lãi suất mua giấy tờ có giá trên thị trường mở lên 10,5%/năm cho kỳ hạn 7 ngày, nghĩa là các ngân hàng chấp nhận vay tiền đồng của NHNN với lãi suất đó.

Đây là lần tăng lãi suất thị trường mở thứ 3 chỉ trong vòng hơn một tháng qua. Cuối tháng 11/2010 lãi suất mua giấy tờ có giá trên thị trường mở kỳ hạn 7 ngày chỉ có 8,75%. Hai tuần sau đó được nâng lên 10%/năm và lãi suất hiện tại là mức cao nhất trong vòng 12 tháng qua.

Việc tăng lãi suất thị trường mở là chậm trễ và nửa vời vì một khi lãi suất tăng không đi cùng với kéo dài kỳ hạn đưa tiền ra, thanh khoản của một số ngân hàng vẫn chỉ được giải quyết trong ngắn hạn.

Gỡ nút thắt lãi suất

Với việc tăng lãi suất thị trường mở, mặt bằng lãi suất sẽ không thể giảm và thanh khoản cũng chưa thể giải quyết đến nơi đến chốn. Nút thắt lãi suất phải được cởi bằng một động thái dứt khoát và quyết liệt, có tính căn bản hơn.

Đó là tạm hoãn chưa thực hiện điều 18 của thông tư 13, cho phép các ngân hàng có thể cho vay hết nguồn vốn huy động sau khi đã thực hiện dự trữ bắt buộc, thực hiện nguyên tắc dự phòng thanh khoản.

Đồng thời để tăng nguồn can thiệp một khi cần thiết từ dự trữ bắt buộc, mức dự trữ bắt buộc có thể nâng gấp đôi từ 3% lên 6% đối với các khoản huy động dưới 12 tháng và từ 1% lên 2% thậm chí 3% đối với các khoản huy động từ 12 tháng trở lên.

Như vậy, mặt bằng lãi suất giảm mà có thể không tác động tiêu cực tới việc kiềm chế lạm phát.

Nguồn SGTT

Comments are closed.