Chống tham nhũng đất đai: Không mong có bước tiến dài

20/01/2011 // No Comment // Categories: Bất động sản.

G.S Đặng Hùng Võ nhận định, trong năm nay và vài năm tới cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam “đừng hy vọng có bước nhảy dài”.

Nghiên cứu tình huống cấp tỉnh năm 2010 trong báo cáo “Nhận diện và giảm thiểu các rủi ro dẫn đến tham nhũng trong quản lý đất đai ở Việt Nam” của ĐSQ Đan Mạch, Thụy Điển và World Bank, tham nhũng trong việc cấp Giấy chứng nhận khá phổ biến.

Người dân thường phải trả thêm tiền để lấy được Giấy chứng nhận nhanh hơn. 61% ý kiến tham gia khảo sát nhất trí rằng, trả thêm tiền, việc cấp chứng nhận sẽ được thuận lợi và nhanh chóng.

Thẩm tra báo cáo Chính phủ trước đó về phòng chống tham nhũng năm 2010, UB Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh, số bị can bị khởi tố về hành vi tham nhũng, cán bộ cấp xã, phường chiếm tỷ lệ 30,9% còn cấp Trung ương là 0,3%.

Tại Bắc Ninh, hướng dẫn về “cơ chế một cửa” của thành phố không thống nhất với các phường, nên một số người dân phải nhờ sự giúp đỡ của các lãnh đạo địa phương hoặc trả hoa hồng hay sử dụng “dịch vụ trung gian phi chính thức”.

Còn ở Bình Định, “thậm chí cán bộ cấp cao nghỉ hưu cũng khó có thể lấy được Giấy chứng nhận nếu không hối lộ”.

Cũng theo điều tra năm 2010, 78% cho rằng có tình trạng tham nhũng liên quan đến quá trình giao, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Theo nhận định của GS. Đặng Hùng Võ và TS. Đặng Ngọc Dinh tồn tại trong cơ chế hiện nay là việc “Nhà nước được quyết thu đất của người này cấp cho người khác”. Trong khi tại Trung Quốc, Chính phủ nước này sử dụng cơ chế “trưng dụng đất”- người đầu tư vẫn phải trả tiền thuê cho những người có đất bị trưng dụng.

Bên cạnh đó là “văn hóa giải trình” ở Việt Nam đang rất thấp.

Quyền tự quyết cấp huyện, cấp tỉnh còn quá cao

G.S Đặng Hùng Võ nói, “Khi thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, cần có một cơ chế độc lập để định giá đất cho phù hợp hơn với giá thị trường. Việc này sẽ làm giảm đáng kể hơn số đơn khiếu nại bồi thường.”

Nhóm chuyên gia cho rằng, nên hình thành các ủy ban độc lập để xem xét bồi thường và giá đất cấp dựa trên cơ sở dữ liệu quốc gia minh bạch với khung giá đất tham khảo. Điều này giúp giảm các lợi ích kinh tế và dễ phát hiện tham nhũng.

Đối với việc cấp giấy chứng nhận, có 2 cải cách mang lại lợi ích lớn là thực hiện ở tất cả các xã việc đăng ký đất đai, khảo sát bản đồ hiện trạng đồng loạt và tăng cường vai trò cung cấp thông tin của Văn phòng đăng ký đất đai.

Do cán bộ trong Ban giải tỏa bồi thường có rất nhiều quyền tự quyết trong tay, phải tăng tính trách nhiệm của họ, tăng tính giải trình qua công cụ thanh tra tài chính, kiểm toán độc lập các cơ quan địa chính…

Việc chống tham nhũng đất đai ở Việt Nam, Giáo sư Võ cho hay, còn phải phụ thuộc vào sự hoàn thiện pháp luật và quan trọng là đến lúc đảm bảo được thu nhập mà “cán bộ, người dân không cần tham nhũng”.

Comments are closed.