Lãnh đạo NH: “Lãi suất hạ càng nhanh càng tốt”

01/03/2012 // No Comment // Categories: Tài chính - Ngân hàng.

Hạ lãi suất đang là mong mỏi của cả nền kinh tế trong đó bao gồm cả hệ thống ngân hàng. Một số lãnh đạo ngân hàng tâm sự, nhiều người cho rằng chỉ có doanh nghiệp mong giảm còn hệ thống ngân hàng thì không nhưng trên thực tế, hơn ai hết chúng tôi mong lãi suất hạ càng nhanh càng tốt.

Hiệu ứng giảm lãi suất

Hiện hiệu ứng giảm lãi suất cho vay đã lan rộng đến các ngân hàng thương mại cổ phần. Cách đây hai tuần mới chỉ có bốn ngân hàng Nhà nước là Agribank, VietinBank, Vietcombank và BIDV giảm lãi suất cho vay từ 1–1,5%/năm, xuống thấp nhất còn 15%/năm.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cũng đã hạ lãi suất cho vay. Đi tiên phong trong khối này có lẽ là ACB với chương trình 100 triệu USD dành cho doanh nghiệp xuất khẩu với mức lãi suất áp dụng thấp hơn thông thường 0,5%/năm. Mới đây, VIB cũng thông báo hạ lãi suất cho vay 1% đối với các hộ sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, VPBank vừa thông báo bắt đầu từ tháng 3/2012 sẽ dành gói tín dụng 5.000 tỷ đồng có mức lãi suất ưu đãi thấp hơn 3% so với lãi suất thông thường dành cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu và sản xuất kinh doanh khác.

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, chính sách hạ lãi suất đã “thấm” đến họ. Ông Lê Thanh Phương, Kế toán trưởng Công ty cổ phần chế biến và xuất khẩu thủy sản Thọ Quang cho biết, khoản dư nợ ngắn hạn hơn 100 tỷ đồng của doanh nghiệp tại Vietcombank Đà Nẵng vừa được ngân hàng giảm lãi suất xuống còn 16,5% thay vì mức 18,5% hồi tháng 1/2012.

Tương tự, ông Trần Văn Lĩnh, Giám đốc công ty cổ phần Thủy sản và thương mại Thuận Phước cũng cho biết, công ty ông đã được hạ lãi suất đối với khoản dư nợ ngắn hạn của doanh nghiệp xuống còn 15%/năm thay vì mức 18%/năm như trước đây. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt đầu vào, ổn định sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu trong năm 2012.

Tuy nhiên, hiện số ngân hàng giảm lãi suất chưa nhiều và việc hạ lãi suất mới chỉ áp dụng đối với nhóm khách hàng ưu tiên và nhóm khách hàng “ruột” của ngân hàng. Bởi vậy, hạ lãi suất vẫn đang là mong mỏi của nhiều doanh nghiệp.

Một lãnh đạo của Công ty cổ phần thương mại quốc tế CDC cho biết, vẫn còn bị ám ảnh nỗi sợ phải đi vay vốn trong 2011, khi mà công ty của ông cần tiền để nhập khẩu đồ nhựa gia dụng từ Hàn Quốc, bỉm trẻ em ở Malaysia, nhưng gõ cửa nhà băng nào cũng bị lắc đầu, có nhà băng gật đầu thì lãi suất lên tới trên 20%/năm. Những ngày này, lãi suất cho vay đã xuống một chút nhưng cũng chỉ ưu tiên cho một số lĩnh vực chứ những món vay công ty CDC cần thì các ngân hàng vẫn không đáp ứng.

Lãi suất cần giảm thêm

Không chỉ có các doanh nghiệp mới mong muốn được hạ lãi suất, mà hơn ai hết thời điểm này chính các ngân hàng lại là những đơn vị mong muốn lãi suất có thể xuống để việc giải ngân được thuận lợi.

Theo lý giải của một số ngân hàng, lãi suất là giá của đồng vốn, do cung–cầu vốn quyết định. Còn ngân hàng chỉ là trung gian tài chính, giúp cho cung–cầu vốn gặp nhau; lãi suất hình thành trên cơ sở cân bằng lợi ích giữa người gửi tiền–ngân hàng–người vay tiền. Chính vì vậy, bản thân các ngân hàng khó có thể “đơn phương” quyết định được lãi suất.

Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Phạm Huy Hùng cho rằng, quan trọng hơn hạ lãi suất sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp tiết giảm chi phí, giảm giá thành, nhờ vậy, sản phẩm sẽ được tiêu thụ tốt hơn, hiệu quả hoạt động vì thế tất nhiên sẽ được nâng lên. Lẽ đương nhiên, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thì rủi ro đối với món vay cũng sẽ được giảm thiểu.

Ông Hùng cho rằng, với điều kiện kinh tế thế giới và trong nước hiện nay thì lãi suất giảm càng nhanh càng tốt vì nếu để lãi suất cao như hiện nay thì doanh nghiệp không thể sống nổi.

“Tuần trước chúng tôi đã giảm lãi suất cho vay xuống 16% nhưng cũng có rất ít doanh nghiệp đến vay vì họ vay mức này về sản xuất kinh doanh cũng không có lãi,” ông Hùng cho biết. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không thể hạ lãi suất xuống được nữa vì huy động đầu vào đã là 14% rồi, với khoảng cách chênh lệch chỉ có 2% ngân hàng không thể có lãi, mà khoảng cách tối thiểu giữa đầu vào và đầu ra phải là 2,5% thì mới có thể cân bằng được.”

Theo ông Hùng, với tình hình như hiện nay, theo quan điểm của tôi lãi suất huy động phải xuống 10%, cho vay ra từ 13-14% là phù hợp ở thời điểm này.

Còn ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cũng đặt nhiều hy vọng, với những động thái giảm lãi suất cho vay của một số ngân hàng thì chắc chắn mặt bằng lãi suất sẽ được kéo xuống trong thời gian ngắn.

Cũng cùng quan điểm với hai lãnh đạo ngân hàng trên, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa đưa ra 3 đề xuất để giảm lãi suất. Trong đó, VAFI đề nghị, Ngân hàng Nhà nước nên giảm ngay lãi suất huy động đối với tổ chức gửi tiền xuống mức 11%/năm. Vì lượng tiền gửi của tổ chức trong các tổ chức tín dụng chiếm đến 55% tổng lượng tiền gửi nên việc giảm ngay lãi suất với đối tượng này sẽ không ảnh hưởng đến trật tự huy động vốn của hệ thống ngân hàng thương mại, cũng như không tác động tới thị trường ngoại tệ.

Đồng thời với phương án này, VAFI gợi ý, Ngân hàng Nhà nước cần khống chế lãi suất tiền gửi ngoại tệ và vàng miếng ở mức không quá 1%/năm và đặt ngay trần lãi suất cho vay không quá 18%/năm, rồi theo tín hiệu thị trường giảm dần lãi suất tiền gửi của dân cư và hạ tiếp trần lãi suất cho vay.

“Với phương án này, đến cuối năm 2012, lãi suất cho vay sẽ dao động từ 12% đến 16%, phổ biến sẽ ở mức từ 14% đến 15%”, VAFI dự báo.

Các chuyên gia nhận định, việc giảm lãi suất không thể nói là giảm ngay được nhưng nếu tất cả các ngân hàng cùng hưởng ứng, không “vượt trần,” không lách luật… thì không phải là không có cơ sở để giảm.

 

Mặc dù vậy, động thái hạ lãi suất của các ngân hàng thương mại mới đây  tuy nhỏ nhưng cũng là tín hiệu tích cực, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.

 

Theo Minh Thúy

Vietnamplus

Comments are closed.