Tín dụng USD giảm, VNĐ tăng?

26/07/2012 // No Comment // Categories: Tài chính - Ngân hàng.

Số liệu tăng trưởng tín dụng tháng 7 của hệ thống NHTM trên địa bàn TPHCM có điểm đáng lưu ý: tăng dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ đạt 202.300 tỷ đồng, chiếm 26,2% tổng dư nợ, giảm 11,9% so cùng kỳ. Trong khi đó, dư nợ tín dụng bằng VNĐ chiếm 73,8% tổng dư nợ, tăng 9,6% so cùng kỳ. Đây là kết quả tích cực của lãi suất cho vay VNĐ giảm, nhưng liệu doanh nghiệp có tiếp cận được vốn lãi suất thấp?

VNĐ lãi suất USD

TS. Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ, cho rằng hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn chuộng vay USD vì lãi suất vay USD rất thấp. Hơn nữa, các doanh nghiệp xuất khẩu phải cạnh tranh với các doanh nghiệp trên thế giới có lợi thế hưởng lãi suất rẻ chỉ 1%/năm.

Ở các quốc gia có đồng tiền dễ chuyển đổi còn có thể tận dụng nguồn vốn vay giá rẻ từ nước ngoài hoán đổi để hưởng lãi suất rẻ.

Mới đây NHNN đã gia hạn Thông tư 03 về việc chỉ được phép cho vay bằng ngoại tệ để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng có đủ nguồn thu ngoại tệ trả nợ (ngoại trừ doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu), đến tháng 11-2012 mới có hiệu lực (thay vì từ tháng 5-2012).

Điều này đồng nghĩa doanh nghiệp không có nguồn thu ngoại tệ từ nay đến tháng 11-2012 vẫn được vay USD của NH để thanh toán hàng hóa nhập khẩu. Thế nhưng, vừa qua nhiều NHTM đã triển khai cho vay VNĐ với lãi suất ngoại tệ nhằm đáp ứng nhu cầu lãi suất rẻ cho doanh nghiệp. Đó cũng là lý do vì sao tín dụng tiền đồng có xu hướng tăng cao, trong khi tín dụng USD tiếp tục sụt giảm nhanh so với trước đây.

Vừa qua, một số NHTM như Eximbank, ACB, Sacombank… đã đồng loạt triển khai các chương trình cho vay tiền đồng với lãi suất ngoại tệ. Có thể thấy, việc NHTM cho vay VNĐ với lãi suất USD kèm theo bảo hiểm tỷ giá không phạm luật, bởi NHTM giải ngân, thu hồi vốn lẫn lãi và phí bảo hiểm tỷ giá đều bằng VNĐ.

Doanh nghiệp vay VNĐ được NHTM quy đổi sang ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa, thực chất là doanh nghiệp đã mua ngoại tệ của NHTM để thanh toán tiền mua hàng hóa từ đối tác nước ngoài, phù hợp với quy định của NHNN.

Phương thức cho vay này sẽ giúp doanh nghiệp không phải lo lắng đến việc mua USD khi đến hạn trả nợ, làm thị trường ngoại tệ căng thẳng như đã từng xảy ra nhiều năm trước. Tuy nhiên, rủi ro vẫn có thể xảy ra mà bên vay thường phải đối mặt là tỷ giá biến động mạnh.

Chẳng hạn nếu tỷ giá biến động ở mức 3%, vay VNĐ lãi suất USD 5-6%/năm không có vấn đề gì, nhưng nếu tỷ giá biến động 5-6%/năm doanh nghiệp sẽ chịu rủi ro về tỷ giá.

Cân nhắc rủi ro

Hiện nay, mặc dù lãi suất cho vay VNĐ với dư nợ mới đã giảm xuống 12-13%/năm và trần lãi suất với dư nợ cũ chỉ còn 15%/năm, nhưng với nhiều doanh nghiệp chi phí vay vốn này vẫn cao, nhất là khi hàng tồn kho lớn, sức mua giảm, các doanh nghiệp gánh chịu chi phí quản lý gia tăng…

Khi cho doanh nghiệp vay ngoại tệ hay cho vay VNĐ lãi suất USD, các NHTM đều phải sử dụng trạng thái ngoại tệ cho phép. Tuy nhiên, đến thời điểm nhất định NH phải thu xếp lại vốn ngoại tệ cho đủ trạng thái, khi đó nếu nguồn ngoại tệ lại khan hiếm sẽ là rủi ro lớn nhất. Vì vậy, các NHTM lớn có thế mạnh trong tài trợ xuất nhập khẩu mới có thể mạnh dạn đẩy mạnh cho vay theo chương trình này.

TS. LÊ XUÂN NGHĨA,
Chuyên gia tài chính NH

Vì vậy, vay USD hay vay VNĐ lãi suất USD đang là lựa chọn ưu tiên của nhiều doanh nghiệp. Đầu tuần này, một số NHTM đã đồng loạt tăng giá mua – bán ngoại tệ 5-20 đồng/USD so với ngày trước đó dù tỷ giá bình quân liên NH được duy trì ở mức 20.828 đồng/USD.

Theo các NHTM, tỷ giá tăng do cung cầu ngoại tệ có dấu hiệu tăng trở lại từ quý III-2012 chứ không có gì bất thường. Mới đây, Thống đốc NHNN cũng cho biết thời gian qua có thời điểm tỷ giá tăng nhưng không quá 1% và vẫn nằm trong biên độ cho phép.

Vì thế NHNN thấy chưa phải điều chỉnh tỷ giá, nếu có sẽ xem xét theo hướng cung cầu thị trường và điều hành theo hướng ổn định. Cụ thể, nếu tỷ giá biến động không quá 2-3% được cho là ổn định.

Theo một chuyên gia NH, trong bối cảnh hiện nay nếu người gửi tiền bằng VNĐ, trong khi người vay chọn USD hoặc VNĐ ấn định lãi suất USD vì tỷ giá khá ổn định, nguy cơ rủi ro lớn về tỷ giá ít xảy ra.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần cân nhắc vay VNĐ với lãi suất USD, hoặc vay USD, vì một số NHTM quy định lãi suất sẽ thay đổi 1 tháng/lần theo biểu lãi suất do NHTM đó công bố.

Nếu doanh nghiệp không chú ý vấn đề này có thể vừa gặp rủi ro tỷ giá vừa gặp rủi ro về lãi suất, bởi lãi suất cho vay bằng ngoại tệ không bị khống chế mức trần nên NHTM có thể điều chỉnh lãi suất và tỷ giá theo ý muốn của mình.

Theo Thanh Như
SGĐTTC

Comments are closed.