Le lói “khởi sắc” nguồn vốn FDI, bất động sản sẽ tạo đáy?

08/08/2012 // No Comment // Categories: Bất động sản.

Tín hiệu le lói “khởi sắc” từ dòng vốn đăng ký FDI trong 7 tháng đầu năm 2012 được xem là một gam màu sáng cho bức tranh bất động sản trong thời gian tới. Liệu có thể kỳ vọng thị trường này đã thực sự tạo đáy?

Bức tranh bất động sản nhìn từ nguồn vốn FDI

Tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – 2009 và khủng hoảng nợ công châu Âu hiện vẫn còn âm ỉ đã phần nào ảnh hưởng đến dòng vốn FDI vào Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Theo đó, dòng vốn đăng ký vào lĩnh vực bất động sản cũng bị sụt giảm đáng kể.

Số liệu bên dưới cho thấy mức vốn FDI đăng ký trong lĩnh vực bất động sản vẫn còn khá tích cực trong các năm 2009 và 2010, khi lần lượt đạt 7.6 tỷ và 6.8 tỷ USD, chiếm 35.4% và 36.8% tổng số vốn đăng ký FDI trong năm.

Tuy vậy, trong năm 2011, tổng vốn đăng ký FDI đã sụt giảm mạnh chỉ còn 14.7 tỷ đồng, và vốn đổ vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản chỉ vỏn vẹn có 0.85 tỷ USD, chiếm chưa tới 6% tổng số vốn.

Tín hiệu vốn FDI có vẻ như đã tích cực trở lại trong 7 tháng đầu năm 2012, khi các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 8.03 tỷ USD, bằng 55% của cả năm 2011.

Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 trong các ngành nghề với tổng vốn đăng ký là 1.61 tỷ USD, chiếm 20%. Như vậy, so với năm 2011, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã có tín hiệu tích cực hơn trong việc thu hút vốn đầu tư FDI.

Tín hiệu le lói “khởi sắc” từ dòng vốn đăng ký FDI trong 7 tháng đầu năm 2012 được xem là một gam màu sáng cho bức tranh bất động sản trong thời gian tới.

Tuy vậy, cũng cần để ý rằng giữa vốn đăng ký và giải ngân trên thực tế vào dự án có thể tồn tại một khoảng cách khá xa, đặc biệt trong trường hợp triển vọng kinh tế trở nên xấu hơn.

Thị trường bất động sản đã đạt đáy?

Vốn có tương quan lớn với tăng trưởng kinh tế, thị trường bất động sản trong thời gian qua đã “trượt dài” theo sự trì trệ của nền kinh tế.

Trước đó, một số nhận định của Vietstock đã cho thấy tình hình khá bi đát ở lĩnh vực này khi hàng loạt các doanh nghiệp trong ngành đối mặt với nỗi lo sinh tồn, hoặc đang rốt ráo cơ cấu lại các khoản nợ vay ngân hàng.

Chính vì phụ thuộc quá mức vào nguồn tiền từ hệ thống ngân hàng, thị trường bất động sản dễ bị tổn thương trước bất cứ sự thay đổi nào của chính sách tiền tệ; mà điển hình là giai đoạn đóng băng trong năm 2011 kéo dài tới thời điểm hiện nay.

Hơn nữa, tâm lý chờ đợi mặt bằng giá mới thấp hơn của đại đa số nhà đầu tư cũng là lý do quan trọng khiến giao dịch trên thị trường này gần như bị ngưng trệ.

Hiện một số các giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản đã được tung ra như ưu đãi lãi suất, ưu tiên tiếp cận nguồn vốn, cơ cấu nợ… Tuy nhiên, dấu hiệu phục hồi vẫn chưa thật sự rõ nét một phần do độ trễ của chính sách.

Với định hướng nới lỏng chính sách để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cùng với tín hiệu cải thiện từ nguồn vốn FDI như đề cập ở trên, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ có nhiều thay đổi và khởi sắc đi lên từ vùng đáy như hiện nay.

Hoàng Vũ (Vietstock)

Comments are closed.