Kinh tế năm 2013 vẫn chưa khả quan

14/08/2012 // No Comment // Categories: Tin trong nước.

Theo kết quả điều tra về các triển vọng kinh tế vĩ mô, phần lớn các doanh nghiệp tỏ ra khá bi quan về thời điểm phục hồi của nền kinh tế và cho rằng trong năm 2013, nền kinh tế chưa thể phục hồi (46%).

Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam công bố báo cáo nghiên cứu thường kỳ Policy Debate số 2, với chủ đề “Kinh tế và tái cấu trúc kinh tế năm 2013: từ góc nhìn của doanh nghiệp lớn”. Nghiên cứu được tiến hành dựa trên việc thu thập, phân tích các trình bày và thảo luận tại Hội nghị CEO Summit năm 2012.

Đây là việc tiến hành điều tra khảo sát ý kiến về các triển vọng kinh tế vĩ mô và tái cấu trúc doanh nghiệp từ góc nhìn của cộng đồng các doanh nghiệp lớn nhất và hoạt động kinh doanh tốt nhất Việt Nam, bao gồm Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500), Top 1000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam (V1000) và Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST500). Nhóm nghiên cứu nhận được trên 200 phiếu trả lời từ các doanh nghiệp lớn và hoạt động kinh doanh tốt nhất.

Theo kết quả nghiên cứu này, về thời điểm phục hồi của nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa được xác định. Cụ thể, phần lớn các doanh nghiệp tỏ ra khá bi quan về thời điểm phục hồi của nền kinh tế và cho rằng trong năm 2013, nền kinh tế chưa thể phục hồi (46%). Dù vậy, cũng có tới 44% số doanh nghiệp cho rằng, trong trường hợp tốt đẹp, phục hồi kinh tế có thể bắt đầu từ nửa cuối năm 2013.

Đồng thời, số doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô trong sáu tháng cuối năm 2012 sẽ được cải thiện ít hơn hẳn số doanh nghiệp đánh giá rằng tình hình xấu đi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều tỏ ra bền bỉ và chuẩn bị sẵn sàng cho những gì xấu nhất khi đa số nhận định tình hình vẫn sẽ nằm trong tầm kiểm soát của mình.

Cũng theo nghiên cứu này, trước mắt các doanh nghiệp đều chấp nhận sự thật rằng kết quả kinh doanh của họ sẽ khá xấu đi trong sáu tháng cuối năm 2012. Số doanh nghiệp dự đoán sẽ giảm quy mô lao động và doanh thu nhiều hơn số doanh nghiệp cho rằng số lao động và doanh thu của họ sẽ tăng lên so với 6 tháng đầu năm. Riêng chỉ tiêu doanh thu thì số doanh nghiệp dự đoán doanh thu tăng lại cao hơn số doanh nghiệp dự doán doanh thu giảm.

Riêng về vấn đề tài cấu trúc, báo cáo cho biết có 37,74% các nhà quản lý doanh nghiệp chia sẻ rằng cản trở lớn nhất đối với doanh nghiệp khi ra quyết định về tái cấu trúc, là sự thiếu hụt về nhân sự thích hợp. Bên cạnh đó, những biến động về kinh tế không được dự báo trước, cũng làm các doanh nghiệp cẩn trọng hơn khi ra quyết định tái cấu trúc. Trở ngại tiếp theo chính là sự không thống nhất giữa các lãnh đạo trong doanh nghiệp về mục tiêu tái cấu trúc.

Về sự giúp đỡ của các ngân hàng báo cáo cho thấy vẫn là hạn chế. Trong khi dòng vốn tín dụng cho doanh nghiệp vẫn còn đang là vấn đề nóng bỏng, các doanh nghiệp đã được hỏi về ý kiến của họ về hoạt động của các ngân hàng đối với cộng đồng doanh nghiệp. Quan điểm của phần lớn doanh nghiệp là các ngân hàng chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp lớn và có lãi (38%), hoặc các doanh nghiệp thân thiết (31%). Số đông các doanh nghiệp còn lại cho rằng các doanh nghiệp vẫn đang cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp tuy nhiên một số ngân hàng quá khó khăn để có thể giúp đỡ doanh nghiệp. Chỉ có một số ít doanh nghiệp có quan điểm không thông cảm với các ngân hàng và cho rằng các ngân hàng đang không thực sự muốn hỗ trợ và vẫn muốn thu được nhiều lợi nhuận.

Trong bối cảnh như trên, các doanh nghiệp lớn và tăng trưởng tiếp tục không thống nhất về đề xuất mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô trong nửa cuối 2012 và 6 tháng đầu năm 2013. Đó là nên ứng cứu các doanh nghiệp khó khăn hay dành sức để cải cách và tái cấu trúc nền kinh tế.

Đặc biệt, một số doanh nghiệp tiếp tục cho rằng phải cứu trợ doanh nghiệp khẩn cấp. Giảm thuế, giãn nợ, xóa nợ, tăng thêm tín dụng giá rẻ, kích thích thị trường bất động sản. Nếu không thì hàng loạt doanh nghiệp sẽ phá sản. Người lao động sẽ mất việc hàng loạt. Xã hội có thể rối loạn. Đó là ý kiến kêu cứu chung của các hiệp hội, ngành hàng đã gửi văn bản lên Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, đặc biệt là các ngành bất động sản, vật liệu xây dựng, vận tải biển, hiệp hội sản xuất ô tô… Chính phủ đã có các biện pháp trợ giúp và cứu trợ các doanh nghiệp này thông qua các biện pháp như giảm thuế, chỉ đạo treo nợ, giãn nợ, hoặc xóa nợ, cho phép các doanh nghiệp độc quyền tăng giá, cũng như các biện pháp tài chính – tiền tệ khác.
Theo Yến Nhi – VnMedia

Comments are closed.