Thống đốc giải trình về nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng

21/08/2012 // No Comment // Categories: Tài chính - Ngân hàng.

Chiều 21/8, Thống đốc Nguyễn Văn Bình sẽ đăng đàn giải trình về nợ xấu, tháo van tín dụng sản xuất và tái cơ cấu ngân hàng yếu kém. Kế hoạch lập Công ty mua bán nợ quy mô nghìn tỷ đồng có thể cũng được nhắc đến.

Trong khuôn khổ phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành 3 buổi, bắt đầu từ sáng 21/8, để chất vấn 3 vị bộ trưởng, trưởng ngành về các vấn đề nóng như giải quyết việc làm cho người lao động; giải quyết khiếu nại, tố cáo và các biện pháp xử lý nợ xấu trong ngành ngân hàng. Thống đốc Nguyễn Văn Bình là người thứ 2 trả lời chất vấn đợt này và đây cũng là buổi đăng đàn trực tiếp thứ hai của ông trên diễn đàn Quốc hội sau một năm nhậm chức (3/8/2011).

Nội dung trọng tâm của buổi chất vấn Thống đốc dự kiến là việc xử lý “cục máu đông” nợ xấu. Thống đốc cũng sẽ phải làm rõ đâu là con số nợ xấu thực sự khi ngành ngân hàng đã đưa ra những con số khá “vênh” nhau.

Theo báo cáo của các ngân hàng tính tháng 6, nợ xấu toàn hệ thống là 117.723 tỷ đồng, chiếm 4,47% tổng dư nợ. Trong đó, khối ngân hàng thương mại nhà nước chiếm 3,96% tổng dư nợ với 54.600 tỷ đồng. Dư nợ của khối ngân hàng cổ phần là 41.00 tỷ đồng, tương đương 4,54% dư nợ.

Trong khi đó, con số nợ xấu do Thanh tra Ngân hàng Nhà nước đưa ra lại lên tới 8,6% – gần gấp đôi của các tổ chức tín dụng trong khi mới tính đến 31/3. Quy mô nợ xấu theo cơ quan giám sát của Ngân hàng Nhà nước là gần 202.000 tỷ đồng. Trong đó, theo Chánh Thanh tra Nguyễn Hữu Nghĩa, nợ nhóm 5 – nhóm có nguy cơ mất mất – chiếm 40% tổng nợ xấu.

Trong khi đó, tại diễn đàn Quốc hội hồi tháng 3, chính Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết con số nợ xấu toàn ngành khoảng 10%.

Trong báo cáo giải trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông thừa nhận nợ xấu của các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng nhanh từ năm 2008 tới nay. Ông cũng cho biết nguyên nhân dẫn tới những con số khác nhau về nợ xấu là tình trạng phân loại nợ, ghi nhận nợ xấu trong báo cáo tài chính thấp hơn thực tế để giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro. Ông cũng cho rằng một số ngân hàng điều hành tín dụng bất cập đã để nợ xấu tăng cao như vừa qua. Nhiều tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng hàng năm quá cao (trên 50%), trong khi khả năng về quản trị rủi ro, giám sát vốn vay còn bất cập.

Ngoài con số thật về nợ xấu, ý tưởng lập công ty mua bán nợ quốc gia cũng có thể được nhắc đến trong buổi đăng đàn lần này của Thống đốc. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nợ xấu sau quý II có thể đã vượt trên 10% và việc thanh lọc “cục máu đông” rất cần kíp và phải được tiến hành càng sớm càng tốt.

Trao đổi với báo chí những ngày cuối tháng 7, ông Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thừa nhận trong một năm nhậm chức, ông Nguyễn Văn Bình đã khá thành công khi xử lý được nhiều vấn đề. Tuy nhiên, riêng trong vấn đề nợ xấu, theo ông Thành có thể phải mất 3 năm để làm đẹp nợ.

Trong khi đó, ông Lê Xuân Nghĩa – thành viên Hội đồng chính sách tài chính tiền tệ quốc gia – lại nhấn mạnh: “Nợ xấu đã lên quá lớn và các ngân hàng không có khả năng tự xử lý. Nếu để ngân hàng tự làm, cùng lắm mỗi năm chỉ giải quyết được 1%-2% nợ xấu”.

Theo Vnexpress

Comments are closed.