Nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức khởi điểm đầu tư đến 2020

26/09/2012 // No Comment // Categories: Tài chính - Ngân hàng.

Bộ Tài chính vừa ban hành dự thảo quyết định phê duyệt đề án nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Theo dự thảo, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 từng bước nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia đạt mức xếp hạng tín nhiệm tối thiểu là Baa3 (do Moody’s xếp hạng) hoặc BBB- (do S&P và Fitch xếp hạng). Đây là mức khởi điểm của nhóm xếp hạng tín nhiệm mang tính đầu tư.

Để đạt được mục tiêu, yêu cầu của việc nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia, ngoài yếu tố quyết định là tiếp tục nâng cao nội lực của nền kinh tế, tăng cường chủ động và chuyên nghiệp trong công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia còn đòi hỏi đáp ứng một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô chủ yếu.

Trong đó, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 7 – 8%/năm. GDP năm 2020 theo giá so sánh bằng khoảng 2,2 lần so với năm 2010; GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3.000 USD.

Tiếp tục xử lý tốt mối quan hệ giữa tích luỹ và tiêu dùng, giữa tiết kiệm và đầu tư; có chính sách khuyến khích tăng tích luỹ cho đầu tư phát triển. Tỷ trọng đầu tư toàn xã hội duy trì trong khoảng từ 33 – 35% GDP, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư công, phấn đấu đưa chỉ số ICOR về mức trung bình so với các nước có cùng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 11 – 12%/năm trong thời kỳ 2011 – 2020, trong đó giai đoạn 2011 – 2015 tăng trưởng bình quân 12%/năm; giai đoạn 2016 – 2020 tăng trưởng bình quân 11%/năm. Giảm dần thâm hụt thương mại, kiểm soát nhập siêu ở mức dưới 10% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015 và tiến tới cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020.

Phấn đấu giảm thâm hụt cán cân vãng lai, ổn định cân bằng cán cân thanh toán quốc tế và tiến tới thặng dư; tăng mức dự trữ ngoại hối nhà nước đạt ít nhất 12 tuần nhập khẩu, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và đạt mức mức trung bình so với các nước có cùng hệ số tín nhiệm quốc gia.

Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giảm xuống dưới 4,5% GDP vào năm 2015 và giai đoạn 2016-2020 tương đương khoảng 4% GDP.

Nợ công (bao gồm nợ chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) đến năm 2020 không quá 65% GDP, trong đó dư nợ chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

Theo Gafin

Comments are closed.