15/11 sẽ trình Chính phủ đề án Công ty mua bán nợ quốc gia

26/10/2012 // No Comment // Categories: Tài chính - Ngân hàng.

Ngày 25/10, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến nay tổ chức tín dụng đã trích lập dự phòng rủi ro 70 nghìn tỷ đồng, trong khi có tới 85% khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo với tổng giá trị tới 135% so với giá trị nợ xấu. 

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã xử lý thêm 36 nghìn tỷ đồng nợ xấu và đến 15/11, sẽ trình Chính phủ đề án “Công ty mua bán nợ quốc gia” với kỳ vọng xử lý thêm 100 nghìn tỷ đồng. Vì vậy, không nên quá hốt hoảng với nợ xấu, dù đó là vấn đề rất quan trọng.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước, hiện nợ xấu của toàn bộ nền kinh tế có địa chỉ tại hệ thống ngân hàng ước khoảng 8,6% trên tổng dư nợ được cho từ 2,5 triệu đến 2,8 triệu tỷ đồng.

Nợ xấu từ khi nào?

Toàn bộ số nợ xấu nói trên được dồn tích từ các năm trước, đặc biệt là từ 2008 đến gần hết năm 2011, bởi giai đoạn này, tín dụng tăng rất cao, trong đó từ năm 2008 – 2010 tăng bình quân 33%/năm và năm 2011 là 29%, cá biệt như 2008, tín dụng tăng tới 53%. Trong khi từ đầu 2012 đến nay, tín dụng chỉ tăng 2,53% thì không thể nói là nợ xấu tăng trong giai đoạn này.

“Những người từng công tác ở Ngân hàng Trung ương nhiều năm qua, không hề ngạc nhiên khi con số nợ xấu lên tới mức này, nếu theo dõi quá trình tăng trưởng nóng tín dụng từ 2008 – 2010”, ông Nghĩa nói.

Cũng theo ông Nghĩa, với tín dụng tăng nóng, chất lượng tín dụng thấp, kết hợp tác động kép từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, trong khi sức chống đỡ của doanh nghiệp quá mỏng đã đẩy nợ xấu lên cao.

Giải thích lý do sự khác biệt về con số nợ xấu: thanh tra Ngân hàng Nhà nước công bố 8,6% và tổ chức nước ngoài cho rằng là 13%, ông Nghĩa cho rằng, con số nợ xấu diễn biến hàng ngày vì hôm nay có khoản nợ xấu nhưng nếu tổ chức tín dụng phát mại thành công và/hoặc khách hàng trả được thì đã có sự khác nhau về nợ xấu so với số liệu của ngày hôm sau.

Hơn nữa, việc đánh giá và công bố rõ số liệu nợ xấu cho thấy, Ngân hàng Nhà nước đã từ bỏ thói quen che đậy nợ xấu vốn tồn tại hàng chục năm qua và coi đó là sự minh bạch cần thiết trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Bốn ngân hàng còn lại trong số 9 ngân hàng phải tái cơ cấu từ nay đến hết năm 2012: GPBank, Navibank, Đại Tín và Ngân hàng Phương Tây.
(Nguồn: Thanh tra Ngân hàng Nhà nước)
Lấy ví dụ cho sự nghiêm túc này, cơ quan thanh tra cho biết, để đưa 9 ngân hàng vào diện tái cơ cấu, Ngân hàng Nhà nước đã theo dõi và thấy rằng, số đơn vị nói trên có tình hình thanh khoản yếu kém. Mặc dù theo 9 ngân hàng này, nợ xấu của họ chỉ 1,9% hoặc 2,1% nhưng khi thanh tra Ngân hàng Nhà nước kiểm tra thì nợ xấu vọt lên 12% – 13%. Cá biệt có ngân hàng nợ xấu lên tới 60%, không chỉ mất cả vốn điều lệ mà còn “âm” đối với tiền gửi của dân.

Để khách quan hơn đối với họ, Ngân hàng Nhà nước đã mời hai công ty kiểm toán độc lập vào kiểm toán và đều cho kết quả tương thích với nhau và với kết quả thanh tra của Ngân hàng Nhà nước.

Từ đó đến nay, trong số 9 ngân hàng này, không kể 5 ngân hàng thương mại đã và đang tái cấu trúc thì 4 đơn vị còn lại vẫn chưa ra khỏi “bảng tử thần” dù đã khá tích cực bán tài sản, thu hồi nợ, vay mượn người thân để bồi thường số vốn có nguy cơ mất trắng. Cũng theo cơ quan này, từ nay đến hết 2011, sẽ xử lý dứt điểm.

Phương án xử lý

Theo thanh tra Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu là điều không mong muốn trong hoạt động ngân hàng nhưng cũng không nên quá hoảng hốt. Bởi lẽ, như thời điểm năm 1997, nợ xấu hệ thống ngân hàng lên tới 30% nhưng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã thành lập “Tổ xử lý nợ xấu” và bằng các giải pháp giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ và một tỷ lệ nhỏ trong đó được xóa thì chỉ thời gian ngắn sau đó đã hoàn toàn xử lý xong số nợ này.

Đối với số nợ xấu hiện nay, cơ quan thanh tra cho rằng, trước hết, nợ xấu không phải là khoản nợ mất trắng vì chúng đều có tài sản đảm bảo và khả năng thu hồi vẫn còn. Trên thực tế, tính đến thời điểm hiện nay, các tổ chức tín dụng đã trích được 70 nghìn tỷ đồng trong số 8,6% tỷ lệ nợ xấu.

Mặt khác, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo chiếm tới 85%, mà giá trị của số tài sản đảm bảo này lại tương đương giá trị 135% hay 1,35 lần của khoản nợ được cho là xấu nói trên. Tiếp đó, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã chủ động xử lý thêm được 36 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Bên cạnh đó, việc xử lý nợ xấu không đơn thuần là nhà nước bỏ tiền ra mua toàn bộ số nợ trên dù dưới bất kỳ hình thức nào mà điều quan trọng là phải khơi thông sự bế tắc của thị trường hàng hóa, đặc biệt là thị trường bất động sản với sự tham gia tích cực của nhiều bộ ngành liên quan.

Trong ngày 25/10, Ngân hàng Nhà nước đã cùng với Bộ xây dựng trình phương án trong một hội thảo lớn, góp phần phục hồi thị trường bất động sản nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường này. Theo đó, việc khôi phục thị trường bất động sản không chỉ giảm giá bán mà còn phải đưa ra các biện pháp khác: thu hẹp kích cỡ căn hộ, giảm thuế, giảm tiền thuê đất, giảm chi phí cho doanh nghiệp để họ hạ giá bán, cơ cấu lại tài chính.

Ngoài ra, tính đến nay, còn có khoảng 93 nghìn tỷ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn đầu tư ngân sách. Thực ra, số nợ này do các doanh nghiệp vay ngân hàng để xây dựng và đã hoàn tất công trình nhưng vì ngân sách chưa rót về nên bị nợ đọng. Do đó, nhà nước cần thanh toán số nợ này để giảm nợ xấu cho ngân hàng.

Đến ngày 15/11 tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ đề án thành lập công ty mua bán nợ quốc gia thay. Quy mô công ty này sẽ xử lý từ 60 nghìn đến 100 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Liên quan đến thành lập công ty mua bán nợ quốc gia (AMC), một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ quý 4/2011, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo trước Chính phủ một số thông tin về đề án này nhưng không nhận được nhiều đồng thuận từ dư luận. Nhưng hiện tại, Chính phủ cho rằng, đây là một trong những biện pháp cần triển khai song song với các biện pháp nói trên và đặc biệt là sự nhất trí từ giới phân tích.

Do đó, đến 15/11, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ đề án thành lập công ty mua bán nợ quốc gia thay, trực thuộc Ngân hàng Nhà nước thay vì trông đợi vào DATC của Bộ Tài chính.

Quy mô công ty này sẽ xử lý từ 60 nghìn đến 100 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Lý do trực thuộc Ngân hàng Nhà nước là vì Luật Ngân hàng Nhà nước 2010 cho phép như vậy, hơn nữa, trực thuộc Ngân hàng Nhà nước sẽ có công cụ tài chính xử lý.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan biết nợ xấu nằm ở đâu, khoản nợ nào được phép xử lý và khoản nợ nào không. Cơ cấu thành phần tham gia sẽ mở rộng, tận dụng lực lượng thị trường tham gia nhưng nhà nước sẽ “cầm chịch”.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)

Comments are closed.