‘NHNN có thể giảm lãi suất OMO thêm 0,5% vào cuối quý II.2013

02/04/2013 // No Comment // Categories: Tài chính - Ngân hàng.

Đó là dự báo của ngân hàng HSBC trong báo cáo về Kinh tế Vĩ mô – Triển vọng thị trường Việt Nam vừa được công bố.

Xuất khẩu đã đưa Việt Nam thoát khỏi tình trạng bất ổn

Phần lớn sự chú ý đang đổ dồn vào ba sự kiện chính vừa diễn ra tuần trước bao gồm việc NHNN Việt Nam đã cắt giảm lãi suất trên thị trường mở OMO 50 điểm và lãi suất tái cấp vốn 100 điểm; thông báo thành lập công ty quản lý tài sản (AMC) để xử lý các khoản nợ xấu của Việt Nam của các tổ chức tín dụng; và công bố chỉ số GDP của quý I.2013 cho thấy nền kinh tế đang hoạt động dưới mức trung bình dài hạn.

Hai sự kiện đầu dường như là những động thái cương quyết nhằm kích thích nhu cầu trong nước hồi phục, và các số liệu tăng trưởng cũng cho thấy sự hỗ trợ là cần thiết nếu Chính phủ muốn đưa các hoạt động kinh tế quay trở lại thời kỳ thịnh vượng của mình.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngân hàng HSBC, những động thái này đa phần chỉ mang tính tượng trưng nhằm xoa dịu các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng từ những hành động của Chính phủ để thúc đẩy phát triển bền vững. Quyết tâm của Chính phủ vốn đòi hỏi cả những cơ quan tài chính lẫn tiền tệ rút khỏi việc giải cứu những doanh nghiệp Nhà nước từng thực hiện các quyết định đầu tư kém hiệu quả. Kết quả là lạm phát đã khá ổn định trong khoảng thời gian gần đây.

Cả chỉ số đơn đặt hàng mới của PMI được cải thiện và sự tăng tốc của hoạt động nhập khẩu cho thấy xuất khẩu sẽ có một năm tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là đối với mặt hàng thiết bị điện tử và sản xuất.

Tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã có thặng dư thương mại do doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục đầu tư tại Việt Nam. Trong quý I.2013, tổng vốn đăng ký FDI đã tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái đạt mức 2,9 tỷ đô la Mỹ. Lượng vốn FDI cam kết đã đạt mức 6 tỷ đô la Mỹ, tăng 63%. Ngành sản xuất thu hút 5,4 tỷ USD chiếm 90% tổng lượng vốn FDI. Điều này có nghĩa là trong khi nhu cầu trong nước chậm chạp, hoạt động xuất khẩu (trong đó 63% trong năm 2012 là do các doanh nghiệp nước ngoài) sẽ tiếp tục mở rộng và đem lại công ăn việc làm và thu nhập cần thiết.

Theo HSBC, nếu Chính phủ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng để cải thiện năng lực sản suất và giảm thiểu những rào cản tham nhũng giúp cho các công ty hiệu quả có đất phát triển thì Việt Nam trong một vài năm tới có thể trở thành một bộ máy kinh tế gọn nhẹ hơn sau khi đã thực hiện các cải cách cần thiết.

Nền kinh tế vẫn còn cơ hội tăng trưởng

Tất cả các lĩnh vực trên toàn quốc đều phải gánh chịu hậu quả khi nhu cầu nội địa chậm lại, vốn là kết quả của việc Chính phủ quyết định ưu tiên nhiều hơn cho tăng trưởng ổn định. Một số lĩnh vực phải đối mặt với nhiều thách thức đáng kể hơn so với những lĩnh vực khác, đặc biệt là những lĩnh vực có quy mô quá nhỏ để đối mặt với những thay đổi, hoặc với những lĩnh vực có liên hệ trực tiếp với khối Nhà nước cũng như hoạt động đầu tư, và những doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng tiêu thụ không thiết yếu.

HSBC kỳ vọng XK sẽ giúp Việt Nam vượt qua những khó khăn, đem lại tăng trưởng việc làm và thu nhập

Tuy nhiên, người Việt Nam đã chứng tỏ khả năng hồi phục nhanh trong quá khứ và đang tận dụng cơ hội này để hoàn trả những khoản nợ cũng như chuẩn bị sẵn khi nhu cầu nội bộ và trong nước có sự hồi phục. Trong khi tình hình tiêu dùng có thể sẽ còn chậm chạp trong nhiều năm mặc dù đã cải thiện dần khi tình hình trở nên ổn định thì môi trường khách quan đang ngày càng tươi sáng hơn sẽ đem lại cho nền kinh tế nhiều cơ hội hơn.

Điểm lạc quan nhất trong bảng khảo sát chỉ số PMI tháng 3 là sự tăng vọt các đơn hàng xuất khẩu mới cũng như chỉ số việc làm đã vượt lên trên mức 50 điểm. Thực tế, nhu cầu từ các nước trong khu vực đang phục hồi, đặc biệt là ở Trung Quốc, Nhật Bản và Thái Lan. Chỉ số đơn hàng xuất khẩu mới giảm sút kể từ tháng 5.2012, chính vì vậy, sự cải thiện của chỉ số này, nếu vẫn được duy trì bền vững, sẽ tiếp tục hỗ trợ ngành sản xuất.

Chỉ số đơn đặt hàng mới cũng tăng mạnh thể hiện ở cả hoạt động kinh tế trong nước lẫn nhu cầu nước ngoài ngày càng gia tăng. Chỉ số việc làm cũng đã tăng năm trong sáu tháng qua, nhấn mạnh sự lạc quan của các nhà sản xuất mặc dù tình hình trong nước còn nhiều khó khăn.

Doanh số bán lẻ đang trở lại bình thường mặc dù vẫn còn thấp so với mức trung bình trong quá khứ.

Thông qua quá trình chọn lọc tự nhiên, các doanh nghiệp hoạt động thiếu hiệu quả sẽ từ từ phá sản và những công ty hoạt động hiệu quả sẽ phát triển, Việt Nam có thể vượt qua vấn đề nợ của mình.
Theo dự đoán của HSBC, cho đến cuối năm 2014, xuất khẩu sẽ tăng trưởng, đóng góp khoảng 90% cho tăng trưởng GDP. Xuất khẩu tiếp tục tăng cùng với hoạt động nhập khẩu chủ yếu phục vụ cho sản xuất sẽ giúp Việt Nam đạt thặng dư tài khoản vãng lai trong hai năm tới và được dòng kiều hối hỗ trợ.

Số liệu thường xuyên cho thấy xuất khẩu có thể sẽ có một năm tăng trưởng mạnh mẽ nữa. Tính từ đầu năm đến nay (từ tháng 1 đến tháng 3), cả nước đạt thặng dư thương mại 382 triệu đô la Mỹ, với kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay tăng trưởng 19,7% và nhập khẩu tăng 17%.

Trái ngược với năm ngoái, nhập khẩu hàng hoá cho hoạt động sản xuất đã tăng đáng kể mặc dù nhập khẩu cho tiêu dùng vẫn tiếp tục chậm chạp. Trong khi nhập khẩu và xuất khẩu đều tăng trưởng có nghĩa là thặng dư thương mại sẽ không đáng kể nhưng Việt Nam có vẻ sẽ không quay lại thời kỳ thâm hụt thương mại cao do hiện nay hành vi tiêu dùng đang trở nên cẩn trọng hơn.

Nhu cầu nội địa giảm sút, đặc biệt là ở khối Nhà nước đã làm tăng trưởng giảm từ mức 5,5% trong quý IV.2012 xuống còn 4,9% trong quý I.2013 so với cùng kỳ năm trước. Lưu ý rằng con số tăng trưởng GDP trong quý I.2013 được tính toán dựa trên giá so sánh năm 2010 trong khi các số liệu GDP trong quá khứ được dựa trên chỉ số giá so sánh năm 1994.

Với giá so sánh năm 2010, chỉ số GDP quý I.2012 cũng được điều chỉnh tăng lên từ mức 4,1% thành 4,75% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với quý I.2013, trong khi cả hai chỉ số PMI và GDP chính thức cho thấy một sự sụt giảm tuần tự thì chỉ số PMI của HSBC vẫn cho thấy một sự tăng trưởng nhẹ, trong khi số liệu về GDP thống kê lại có sự sụt giảm mạnh với tốc độ còn nhanh hơn quý I 2012. Vì chỉ số GDP, đặc biệt là của Việt Nam, thường là những ước tính mà sau đó thường có thể được chỉnh sửa, những con số này nên được diễn tả như là một hướng đi của nền kinh tế hơn là con số tuyệt đối.

Dự tính hơi cao của GDP quý I.2013 so với con số chính thức đã chỉnh sửa 4,75% của quý I.2012 cho thấy nền kinh tế năm 2013 dự kiến sẽ tốt đẹp hơn. ‘Chúng tôi dự báo GDP năm 2013 sẽ tăng trưởng 5,5% nhờ vào sự hỗ trợ của nhu cầu nội địa đang được cải thiện dần dần, hoạt động đầu tư nước ngoài tăng tốc và lượng kiều hối ổn định’, HSBC cho biết.

NHNN có thể tiếp tục giảm lãi suất thị trường mở

Lạm phát vẫn là chỉ số quan trọng ở Việt Nam vì chỉ số này thể hiện mức độ cam kết của Chính phủ đối với tăng trưởng bền vững. Kết quả tháng 3 cho thấy lạm phát đã chậm lại từ mức 7% trong tháng 2 xuống còn 6,6% trong tháng 3. Tỷ lệ lạm phát trung bình của cả quý I.2013 thấp hơn mức 7%, một con số tích cực từ mức lạm phát 16% trong quý I.2012.

Lạm phát giảm là nhờ vào giá cả thực phẩm giảm mạnh thêm 0,5% so với tháng trước từ mức 2,3% trong tháng 2. Lạm phát suy giảm cũng có thể nhờ vào yếu tố mùa vụ cũng như nhu cầu thấp và các yếu tố khách quan khá thuận lợi.

Trong khi Chính phủ cam kết giữ nền kinh tế ổn định, với bối cảnh nhu cầu nội địa còn yếu và giá cả hàng hoá được kìm lại, HSBC kỳ vọng lạm phát sẽ được kiềm chế trong năm 2013. ‘Trừ khi giá cả hàng hoá tăng mạnh hoặc chi phí dịch vụ công tăng thêm như trường hợp lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tăng vào quý III.2012, chúng tôi nghĩ rằng lạm phát sẽ chậm lại trong quý III.2013, tạo điều kiện cho NHNN giảm lãi suất thị trường mở OMO thêm 50 điểm vào cuối quý II.2013′, các chuyên gia ngân hàng nhận định.

 

Trần Thúy – NDHMoney

Comments are closed.