Niềm tin đầu tư đang giảm sút

08/04/2013 // No Comment // Categories: Tin trong nước.

Cả DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đều bi quan hơn, khi niềm tin về triển vọng kinh doanh giảm từ mức 76% năm 2006 xuống còn 33% năm 2012.

Theo khuyến cáo của HSBC, nếu Chính phủ Việt Nam tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng để cải thiện năng lực sản xuất và giảm thiểu những rào cản tham nhũng giúp cho các công ty hiệu quả có đất phát triển thì Việt Nam trong một vài năm tới có thể trở thành một bộ máy kinh tế gọn nhẹ hơn sau khi đã thực hiện các cải cách cần thiết.

 

DN bi quan?

Kể từ năm 2008, khi khủng hoảng tài chính thế giới bùng nổ, môi trường đầu tư, kinh doanh của các DN gặp nhiều khó khăn. Cộng hưởng từ khó khăn này đã phát lộ nhiều điểm yếu kém của nền kinh tế Việt Nam khiến cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các DN ngày càng trở nên khó khăn.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2012, số lượng DN đã ngừng hoạt động hay phá sản năm 2012 khoảng 55.000 DN. Chỉ trong quý I/2013, cả nước có tới 15.300 DN ngừng hoạt động hay phá sản. Điều đó cho thấy, niềm tin kinh doanh đang sụt giảm.

Niềm tin đầu tư đang giảm sút (1)
Bi quan khiến các DN “ngại” vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh

Thông tin từ cuộc điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2012 (PCI) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy, cả DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đều bi quan hơn, khi niềm tin về triển vọng kinh doanh giảm từ mức 76% năm 2006 xuống còn 33% năm 2012. Chỉ có 33% DN FDI có kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong hai năm tới.

Ông Preben Hjortlund – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu (EuroCharm) cho biết, mặc dù vẫn hy vọng vào sự phát triển dài hạn của Việt Nam, nhưng các nhà đầu tư châu Âu đã giảm sút niềm tin vào Việt Nam kể từ năm 2011 do các điểm nghẽn cố hữu của nền kinh tế: thủ tục hành chính, chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng… chậm được cải thiện, trong khi các rủi ro bất ổn vĩ mô lại gia tăng.

Tấm gương phản chiếu của nền kinh tế là thị trường chứng khoán cũng phản ánh rõ thực tế này khi dòng tiền đang có xu hướng chảy khỏi thị trường. Bên cạnh đó, việc Vinashin vay vốn nước ngoài nhưng không trả được khiến các nhà đầu tư mất niềm tin khi đầu tư vào Việt Nam.

Theo TS. Edmun Malesky – giáo sư đại học Duke, trưởng nhóm nghiên cứu PCI, hiện niềm tin của các DN nước ngoài đang xuống thấp nhất và họ tự giảm thiểu rủi ro bằng các giải pháp như: chuyển việc sản xuất các bộ phận chính của sản phẩm ra nước ngoài sản xuất, mua bảo hiểm rủi ro từ nước có công ty mẹ, thiết lập nhiều nhà máy ở các nơi khác nhau để phân tán rủi ro…

Có cơ hội phục hồi

Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam có chậm lại nhưng lạm phát của Việt Nam đang được kéo xuống thấp, tỷ giá được giữ ổn định suốt năm 2012 và dự kiến sẽ biến động không quá 3% trong năm nay. Năm 2012 là năm đầu tiên Việt Nam có thặng dư thương mại 780 triệu USD sau 20 năm đổi mới.

Tiếp nối trong năm 2013, tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã có thặng dư thương mại 48 triệu USD. Trong quý I/2013, tổng vốn đăng ký FDI đã tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 2,9 tỷ USD. Lượng FDI cam kết đã đạt mức 6 tỷ USD, tăng 63%.

Theo một chuyên gia kinh tế, với những điểm sáng trên Việt Nam không hẳn đã đánh mất hết niềm tin của các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Theo ông, kinh tế khó khăn đã làm cho mọi người thắt chặt chi tiêu khiến nhu cầu nội địa giảm sút, đặc biệt là ở khối Nhà nước đã làm tăng trưởng giảm từ mức 5,5% trong quý IV/2012 xuống còn 4,9% trong quý I/2013 so với cùng kỳ năm trước.

Suy giảm tiêu dùng không hẳn là yếu tố tiêu cực về mặt trung hạn. Hiện nay cả khối công và tư nhân đang thận trọng hơn trong việc chi tiêu của mình, tránh đầu tư vào những hoạt động sẽ không tạo ra năng suất trong thời gian dài… Các DN đã trở nên thận trọng hơn trong đầu tư và nhận thấy hướng đi đúng đắn hiện nay là tập trung vào ngành hoạt động chính.

Để khôi phục niềm tin đầu tư, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, chúng ta cần đẩy mạnh cải cách để có một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa. Còn theo khuyến cáo của HSBC, nếu Chính phủ Việt Nam tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng để cải thiện năng lực sản xuất và giảm thiểu những rào cản tham nhũng giúp cho các công ty hiệu quả có đất phát triển thì Việt Nam trong một vài năm tới có thể trở thành một bộ máy kinh tế gọn nhẹ hơn sau khi đã thực hiện các cải cách cần thiết.

Theo Quang Anh

Thời báo ngân hàng

Comments are closed.