Standard Chartered: NHNN có thể giảm thêm 0,5% các lãi suất trong quý 2

18/04/2013 // No Comment // Categories: Tài chính - Ngân hàng.

Cơ sở để giảm lãi suất là diễn biến lạm phát cho đến lúc này khá “ổn” trong khi tăng trưởng tín dụng vẫn chậm chạp và mong muốn của Chính phủ là hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Kinh tế sẽ phục hồi nhẹ

Dù thị trường bất động sản – yếu tố đóng góp khá lớn trong GDP – hiện dường như đóng băng, nhưng kinh tế của Việt Nam nhiều khả năng sẽ tăng trưởng cao hơn năm ngoái nhờ xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng tốt, trong khi tiêu dùng đang trên đà phục hồi và đầu tư cũng có thể tiếp tục duy trì tiềm năng cho tăng trưởng. Đây là những dự báo đáng chú ý về kinh tế Việt Nam mà các chuyên gia Standard Chartered vừa đưa ra trong hội thảo ngày 17/4 vừa qua.

Theo dự báo của Standard Chartered, GDP Việt Nam có thể ghi nhận mức tăng trưởng 5,5% trong năm nay nhờ thương mại tiếp tục tăng trưởng tốt. “Khu vực thương mại đánh dấu mốc thặng dư lần đầu tiên vào năm 2012 và chúng tôi dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục vào năm 2013”, bà Betty Wang – chuyên gia kinh tế của Standard Chartered cho biết.

Điểm tích cực trong thương mại được các chuyên gia chỉ ra là sự tăng trưởng đáng kể trong xuất khẩu công nghệ trung và cao cấp, đặc biệt là xuất khẩu các mặt hàng điện tử, viễn thông. Điều đó cho thấy Việt Nam đang có những cải thiện từng bước trong chuỗi giá trị hàng hóa xuất khẩu.

Chuyên gia này cũng tin rằng, không chỉ hỗ trợ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong ngắn hạn, khu vực thương mại còn giúp Việt Nam cải thiện cán cân thanh toán vãng lai, tăng cường dự trữ ngoại hối trong trung và dài hạn.

Bên cạnh đó, lĩnh vực tiêu dùng dù còn nhiều khó khăn nhưng dự báo mảng doanh thu bán lẻ và doanh thu của ngành du lịch sẽ dần hồi phục nhẹ trong năm nay. Một yếu tố quan trọng khác là đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài có thể tăng trong năm nay khi nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư quốc tế đối với khu vực châu Á gia tăng trở lại thời gian gần đây.

Ngoài ra, chủ trương hỗ trợ của Chính phủ đối với nền kinh tế và doanh nghiệp (DN) cũng như chính sách tiền tệ bớt chặt chẽ hơn và đang hỗ trợ tốt cho nền kinh tế hiện nay cũng là những cơ sở để Standard Chartered tin rằng hoạt động đầu tư sẽ dần hồi phục và trở thành động lực cho tăng trưởng.

Cẩn trọng lạm phát, nợ xấu

Mong muốn của Chính phủ là tăng trưởng GDP năm nay sẽ cao hơn năm ngoái trong khi lạm phát sẽ thấp hơn. Tuy nhiên theo các chuyên gia Standard Chartered, để mức tăng trưởng GDP đạt 5,5% thì lạm phát năm nay có thể sẽ phải quanh mức 8%.

Đặc biệt, áp lực lạm phát có thể tăng lên vào nửa cuối năm chủ yếu do những rủi ro tăng giá liên quan đến thực phẩm và một số mặt hàng thiết yếu. Standard Chartered cũng dự báo, với diễn biến lạm phát cho đến lúc này là khá “ổn” trong khi tăng trưởng tín dụng vẫn chậm chạp và mong muốn của Chính phủ hỗ trợ tốt hơn cho DN và nền kinh tế thì nhiều khả năng NHNN Việt Nam có thể cắt giảm các lãi suất chính sách thêm 0,5% trong quý II này.

Nhưng ngay cả khi điều này diễn ra thì Standard Chartered vẫn giữ nguyên dự báo tiền đồng sẽ tiếp tục ổn định trong năm nay, xung quanh mức 21.000 đồng/USD và thậm chí có thể giảm nhẹ xuống mức 20.800 đồng/USD vào quý II/2014.

Một trong những lĩnh vực cần đẩy mạnh cải cách hiện nay là khu vực ngân hàng, trong đó cần tập trung vào giải quyết nợ xấu và tái cấu trúc. Dù có nhiều con số ước tính về nợ xấu khác nhau nhưng theo đánh giá của Standard Chartered, khi nợ xấu chưa vượt quá 20% thì vẫn hoàn toàn trong tầm kiểm soát và xử lý được. Tuy nhiên, vấn đề nợ xấu để tăng càng cao thì chi phí và các nguồn lực để xử lý sẽ ngày càng lớn.

Với Việt Nam, các chuyên gia Standard Chartered đưa ra “kịch bản bốn khả năng” và các ước tính chi phí tái cấp vốn tương ứng. Theo đó, nợ xấu được dự báo ở các mức độ: 5%; 10%; 15% và 20%. Tương ứng với đó, mức tổng nợ xấu (theo số liệu tính toán năm 2012) sẽ lần lượt là: 7,2 tỷ USD; 14,3 tỷ USD; 21,5 tỷ USD và 28,6 tỷ USD, qua đó kéo theo chi phí tái cấp vốn để xử lý sẽ ở các mức: 2,8%; 6,8%; 10,9% và 14,9% GDP.

Các bước chính trong giải quyết nợ xấu được chuyên gia khuyến nghị là: Xác định rõ nợ xấu; Trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ; Tái cấp vốn và Tăng cường kiểm soát rủi ro. Bà Betty Wang nhìn nhận, tất cả đều hiểu và nhận thấy tầm quan trọng của việc xử lý nợ xấu hiện nay. Vấn đề phụ thuộc vào mức độ quyết tâm và quyết liệt của Chính phủ thế nào trong triển khai tiến trình này.

 

Theo Thư Kỳ

Thời báo ngân hàng

Comments are closed.