CPI tháng 9 tại Tp.HCM tăng cao nhất trong 29 tháng

23/09/2013 // No Comment // Categories: Tin trong nước.

Cục Thống kê Tp.HCM vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2013 tăng mạnh tới 3,13% so với tháng trước, đưa CPI so cùng tháng năm trước và so với đầu năm lần lượt tăng 5,13% và 4,43%.

Mức tăng 3,13% đã khiến CPI tháng này đạt mức cao nhất trong vòng 29 tháng trở lại đây.

Xét trong bối cảnh diễn biến giá cả năm nay, mức tăng này càng được coi là đột biến nhưng nó lại đến từ các quyết định hành chính chứ không phải là diễn biến cung cung cầu trên thị trường.

Quyết định của UBND Tp.HCM cho phép các trường và cơ sở dạy nghề của các loại hình giáo dục đều đồng loạt điều chỉnh khung học phí mới. Như vậy, sau khi đã tăng 6,72% vào tháng 9 năm 2012, học phí các bậc học của Tp.HCM lại tăng rất mạnh 57,2% so với tháng trước. Mức tăng này đã đóng góp 2,86% trong tổng mức tăng CPI chung của thành phố.

Một quyết định hành chính khác khiến chỉ số CPI của thành phố tháng này tăng cao là việc tăng lương cơ bản cho cán bộ công chức từ 1.050.000 đồng/tháng tăng lên 1.150.000 đồng/tháng. Điều này khiến phí bảo hiểm y tế của công chức và phí bảo hiểm y tế của lao động tự do tăng theo tương ứng khiến chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,69% so với tháng trước.

Ở các nguyên nhân tăng giá còn lại do thị trường, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng tăng 0,84% so tháng trước chủ yếu do việc tăng giá điện từ 1/8/2013 nay mới tác động đến CPI và việc tăng giá thêm 12.000 đồng/bình gas12kg từ 1/9/2013.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng nhẹ 0,41% so tháng trước, trong đó, nhóm hàng thực phẩm tăng 0,78%, nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,05%, riêng nhóm lương thực không biến động.

Giá lương thực thực phẩm tăng ở mức vừa phải do trong tháng 9 hàng loạt các chương trình kích cầu tiêu dùng được các siêu thị áp dụng trong toàn hệ thống nhằm khuyến khích nhu cầu mua sắm của người dân, trong đó chương trình bình ổn giá của Ủy ban Nhân dân Thành phố đóng vai trò quan trọng trong việc kìm chế tăng giá.

Tuy nhiên, do chi phí đầu vào của sản xuất tăng liên tục trong thời gian qua nên chỉ số giá nhóm thực phẩm cũng tăng ở mức tương đối 0,78% so với tháng trước, phản ánh không chỉ xu hướng các mặt hàng ngoài thị trường mà cả sự tăng giá của các mặt hàng trong chương trình bình ổn giá.

Theo dự báo của các siêu thị, giá thực phẩm sẽ còn có xu hướng tăng mạnh trong các tháng tới.

Các nhóm hàng còn lại biến động nhẹ, trong đó có 3 nhóm giảm giá so với tháng trước là nhóm thiết bị đồ dùng gia đình, nhóm thuốc dịch vụ y tế và nhóm giao thông ở các mức giảm tương ứng 0,06%, 0,01% và 0,28%; riêng nhóm bưu chính viễn thông không biến động.

Trong tháng, hai mặt hàng đặc biệt là vàng và đô la Mỹ tiếp tục diễn biến trái chiều khi ghi nhận ở các mức tăng 0,68% và giảm 0,85% so với tháng trước.

Theo VNeconomy

Comments are closed.