Trước hay sau cứ “siêu mỏng” là trảm

02/03/2011 // No Comment // Categories: Bất động sản.

Ngày 1/3, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Phí Thái Bình cho biết, sẽ xử lý tất cả mọi trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo mà không phụ thuộc việc có trước hay sau khi làm đường.

Theo đó, quận Thanh Xuân sẽ là đơn vị đầu tiên mà thành phố “thí điểm” ra quân giải quyết các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng để xây dựng (siêu mỏng, siêu méo) trên các tuyến đường mới mở.

Lãnh đạo Hà Nội đã yêu cầu UBND quận Thanh Xuân khẩn trương rà soát, thống kê, chụp hình ghi lại hiện trạng, lập danh mục cụ thể, chính xác các trường hợp đất (và công trình xây dựng trên đất, nếu có) không đủ điều kiện và mặt bằng để xây dựng dọc theo các tuyến đường mới mở để làm cơ sở xây dựng phương án tổng thể giải quyết triệt để các trường hợp không đủ điều kiện xây dựng trên địa bàn quận.

Phó Chủ tịch Thành phố lưu ý UBND quận Thanh Xuân xử lý tất cả mọi trường hợp không đủ điều kiện mà không phụ thuộc việc có trước hay sau khi làm đường.

Liên quan đến nhà siêu mỏng siêu méo, Phó chủ tịch Thành phố yêu cầu Sở Xây dựng có trách nhiệm về số liệu rà soát đất (và công trình xây dựng trên đất, nếu có) không đủ điều kiện về mặt bằng để xây dựng dọc theo các tuyến đường mới mở thuộc địa bàn quận Thanh Xuân nói riêng và địa bàn Thành phố nói chung, đối chiếu, kiểm tra, đôn đốc UBND quận Thanh Xuân triển khai thực hiện.

Đối với 3 trường hợp công trình xây dựng tại nút giao ngã tư Sở, phường Khương Trung, lãnh đạo Thành phố giao Sở Quy hoạch Kiến trúc tổ chức kiểm tra, đề xuất, báo cáo UBND Thành phố về sự phù hợp với cảch quan, tuyến phố và môi trường xung quanh trước ngày 15/3.

Đối với khu “tam giác điện tử” (2 trường hợp) và trường hợp 30 kiot của Trường Trung học cảnh sát nhân dân 1, UBND quận Thanh Xuân phải làm việc với chủ đầu tư, đơn vị chủ quản để phối hợp giải quyết triệt để theo thẩm quyền và theo quy định (trước ngày 15/4).

Đối với 19 trường hợp chưa xử lý, phát sinh sau ngày Quyết định số 26/2005/QĐ-UB có hiệu lực, trên các tuyến đường Lê Văn Lương, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, dọc bờ sông Tô Lịch, Nút giao Thanh Xuân, đường Khương Đình, Thành phố yêu cầu UBND quận Thanh Xuân xây dựng phương án giải quyết với những yêu cầu cụ thể về quy hoạch kiến trúc, đảm bảo phù hợp với cảnh quan, môi trường. Theo đó, trường hợp có thể hợp khối thửa đất thì UBND quận có trách nhiệm giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất biện pháp giải quyết.

Trong trường hợp cần thiết phải giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để thực hiện yêu cầu về quy hoạch kiến trúc, Thành phố chấp thuận về nguyên tắc, cho phép áp dụng mức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở mức cao nhất (có thể xem xét cả việc bố trí căn hộ tái định cư nếu cần)

Với các trường hợp còn lại, UBND quận Thanh Xuân có thể xem xét để các hộ gia đình được khai thác, sử dụng theo đúng yêu cầu về quy hoạch kiến trúc và mục đích được phê duyệt. Các gia đình phải ký cam kết chấp hành nghĩa vụ về khai thác, sử dụng, bao gồm cả cam kết về chế tài xử lý nếu không thực hiện đúng.

“Vấn nạn” nhà siêu mỏng, siêu méo đã diễn ra, gây nhức nhối tại Hà Nội trong nhiều năm qua. Đặc biệt, ngay tại các con đường được cho là “đắt nhất hành tinh”, vẫn tồn tại tình trạng những căn nhà trông “chẳng giống ai”, khiến bộ mặt đô thị rất nhếch nhác, thiếu văn minh.

Dư luận đã đặt câu hỏi rằng, liệu có phải lãnh đạo Thành phố bất lực trước vấn nạn này hay vì một lý do nào khác mà không thể thực hiện kiên quyết? Trong nhiều kỳ họp Hội đồng Nhân dân Thành phố, các đại biểu cũng đã đem vấn đề này ra chất vấn và tại kỳ họp gần đây nhất, lãnh đạo Thành phố đã khẳng định chắc chắn sẽ làm và “làm được”.

Theo VnMedia

Comments are closed.